Bạn có muốn đi du lịch vũ trụ không? Theo lời phi hành gia của NASA thì chớ có dại!

  •  
  • 1.833

Cảm giác được lơ lửng trong vũ trụ, ngắm nhìn Trái đất từ một khoảng cách xa diệu vợi thì hẳn là thú vị. Tuy nhiên, nó không vui như bạn đang nghĩ đâu.

Bạn đã bao giờ muốn bay vào vũ trụ chưa? Thực chất thì đây có thể nói là ước mơ chung của rất nhiều người trong chúng ta khi còn bé. Còn lớn lên rồi thì chắc đa phần cũng biết ước mơ vẫn luôn là mơ ước thôi.

Dù vậy, ước mơ của bạn vẫn có thể thành hiện thực, miễn là bạn có đủ tiền, vì trong những năm gần đây các công ty tổ chức tour du lịch vũ trụ đang ngày càng phổ biến hơn. Nổi bật nhất chính là SpaceX của Elon Musk, hay Blue Origin của Jeff Bezos. Một số chuyên gia cũng tin rằng viễn cảnh dành trọn ngày nghỉ cuối tuần trong trạm vũ trụ sẽ sớm trở nên không còn xa lạ nữa.


Du lịch trên vũ trụ, bạn có muốn không?

Tuy nhiên, có thực đó là một chuyến đi đáng mơ ước? Câu trả lời là không, ít nhất là theo trải nghiệm của Anna Fisher - cựu phi hành gia của NASA.

Đừng hiểu nhầm! Điều này không có nghĩa là du hành vũ trụ không thú vị. Nhưng theo Fisher, có nhiều vấn đề sẽ xảy ra nếu thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ.

"Vấn đề ở đây là nhiều người đang nghĩ rằng chỉ cần nhảy vào tên lửa và cứ thế bay lên vũ trụ" - Fisher chia sẻ.

"Mọi chuyện đâu đơn giản thế. Nó không hề giống đi máy bay một chút nào. Tôi có thể thấy trước rằng sẽ có hành khách nôn oẹ lung tung, rồi những bãi nôn ấy bay lơ lửng trong vũ trụ. Trải nghiệm ấy đáng giá $250.000 nhỉ?"

Có nhiều vấn đề sẽ xảy ra nếu thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ.
Có nhiều vấn đề sẽ xảy ra nếu thương mại hóa ngành du lịch vũ trụ.

Du hành vũ trụ không giống như việc bạn mua một tour du lịch - đi Thái Lan chẳng hạn - rồi đợi ngày xách ba lô lên và bay. Các phi hành gia phải trải qua hàng năm trời luyện tập không ngừng nghỉ trước khi được bay vào vũ trụ.

Họ phải trải nghiệm đủ mọi hiệu ứng - bao gồm hội chứng "say vũ trụ" (space sickness). Và thực tế thì hội chứng này vẫn xảy ra với 2/3 số phi hành gia, dù họ có dành bao nhiêu thời gian để luyện tập đi chăng nữa.

"Khoảnh khắc đầu tiên trên vũ trụ không tuyệt như bạn tưởng. Tôi vẫn nhớ khi ở trong tàu con thoi, phải chịu đựng lực 3G (gravity - trọng lực) trong vòng 2 phút, khó thở kinh khủng. Và rồi boom, tự nhiên cơ thể nhẹ bỗng, nó rất nhanh" - Fisher tả lại.

"Thực sự tôi thấy may mắn là mình đã không ăn sáng vào ngày hôm đó".

Nói qua về hội chứng say vũ trụ. Các chuyên gia cho rằng hiện tượng này xảy ra do cơ thể chưa thích nghi với môi trường vi trọng lực, vì nó tác động đến tai trong - bộ phận giữ thăng bằng của cơ thể. Ngoài ra, bạn sẽ có cảm giác mọi chất lỏng trong cơ thể - bao gồm cả máu và... nước tiểu bắt đầu dịch chuyển lung tung.


Nôn trong vũ trụ đây này.

Mặt mũi thì phù lên, đầu nhức như búa bổ. Cách tốt nhất để hạn chế hiện tượng này là phải ở trong một không gian chật chội. Nghe chỉ giống như bạn đang ở trong một khu ổ chuột, chứ không phải trải nghiệm du lịch "chanh xả" nhất thế giới.

Vậy đấy! Đi du lịch trên vũ trụ không vui vẻ như bạn tưởng. Nhiều khả năng bạn sẽ phải bỏ ra hàng trăm ngàn đô-la, để rồi tận hưởng một chuyến đi chỉ muốn nôn ra bằng sạch.

"May mắn là tôi chưa nôn phát nào, nhưng nếu bạn thấy việc nôn trên mặt đất đã là tệ thì tin tôi đi, ở trong vũ trụ nó ghê hơn nhiều" - Fisher cho biết.

Cập nhật: 27/06/2018 Theo helino
  • 1.833