Nhằm giảm gánh nặng chi phí vận hành Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang xúc tiến các cuộc đàm phán với các tập đoàn tầm cỡ toàn cầu về việc thầu lại các hoạt động hằng ngày tại phòng thí nghiệm không gian này trong những năm tới.
Trả lời phỏng vấn tờ Washington Post ngày 5/6, Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết ông đã làm việc với lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn quan tâm đến việc tiếp quản hoạt động của ISS trong khuôn khổ một liên minh. Tuy nhiên, ông Bridenstine không nêu rõ những công ty nào tham gia đàm phán.
NASA đang có những bước chuẩn bị cho kế hoạch thương mại hóa ISS sau khi Nhà Trắng hồi đầu năm nay thông báo từ năm 2025 sẽ ngừng cấp kinh phí hỗ trợ trực tiếp của liên bang cho ISS.
Nhà Trắng cho biết NASA có thể sẽ tiếp tục điều hành một số hoạt động của ISS, trong khi bàn giao hoạt động của trạm nghiên cứu không gian này cho các công ty tư nhân.
Nhà du hành Drew Feustel thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian ngày 20/5/2011. (Nguồn: NASA/Zee News/TTXVN).
Để tiến trình chuyển tiếp suôn sẻ, Nhà Trắng dự định yêu cầu các công ty tư nhân cung cấp các báo cáo phân tích thị trường và các kế hoạch phát triển.
Về phần mình, NASA cho biết sẽ mở rộng danh sách các đối tác thương mại và quốc tế trong 7 năm tới nhằm duy trì hoạt động của ISS để đảm bảo con người tiếp tục tiếp cận được và hiện diện ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.
Kế hoạch tư nhân hóa ISS đã vấp phải sự phản đối gay gắt của nhiều nghị sỹ Mỹ do cho rằng Mỹ đã đóng góp lớn trong tổng kinh phí xây dựng ISS lên tới 100 tỷ USD.
Hằng năm Mỹ cũng chi từ 3-4 tỷ USD để duy trì hoạt động của trạm không gian này.
Kể từ đầu nhiệm kỳ 2001-2009 của cựu Tổng thống George W. Bush, NASA đã cho thầu lại một số hoạt động hỗ trợ ISS, bắt đầu với việc các chuyến bay do các tập đoàn công nghệ SpaceX và Orbital ATK thực hiện.
Việc các công ty tư nhân "kế thừa" một số hoạt động hậu cần cho ISS phổ biến hơn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các công ty thương mại tư nhân hưởng lợi thế nào từ việc thầu lại hoạt động của trạm nghiên cứu không gian vốn đang xuống cấp này.
ISS có không gian sống tối đa sáu người. Di chuyển theo quỹ đạo cách Trái Đất 400km với vận tốc khoảng 28.000 km/giờ, ISS mất 90 phút để hoàn thành một vòng quay quanh Trái Đất.
Mặc dù được phóng lên quỹ đạo từ năm 1998, nhưng phải đến ngày 2/11/2000, ISS mới tiếp đón ba phi hành gia đầu tiên của Đội thám hiểm số 1, bao gồm Bill Shepard của NASA, phi hành gia người Nga Yuri Gidzenko và Sergei Krikalev trong một chuyến làm việc kéo dài 136 ngày.
Kể từ năm 2011, các nhà du hành Mỹ không lên ISS bằng các tàu vũ trụ sản xuất trong nước mà phải chi hơn 70 triệu USD để có một tấm vé trên tàu Soyuz của Nga.