Bạn hiểu gì về sức khỏe sinh sản?

  •  
  • 939

Có rất nhiều câu hỏi như: Phụ nữ và nam giới nên sinh con ở tuổi nào? Vợ to khỏe hơn chồng sẽ sinh toàn con gái? hay Thuốc tránh thai có ảnh hưởng tới sinh nở không?... Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn.

Về mặt sinh học thì phụ nữ và đàn ông nên sinh con ở tuổi nào?

Phụ nữ không nên sinh con khi đã ngoài 35 tuổi
Phụ nữ không nên sinh con khi đã ngoài 35 tuổi (Ảnh: VNE)
Phụ nữ không thể sinh con sau khi tắt kinh (vì không còn rụng trứng). Nhưng các nhà khoa học khuyên phụ nữ không nên sinh con khi đã ngoài 35 tuổi. Còn nam giới, từ khi có tinh trùng đến khi hết khả năng cương dương (ngoài 70-80 tuổi) đều có thể sinh con.

Tuy nhiên, theo Tạp chí Newsweek (tháng 7/2001) thì cùng một lúc các nhà khoa học ở Đại học Colombia, Đại học New York và Bộ Y tế Israel đều xác định được là nếu sinh ở tuổi 45-49 thì tỷ lệ các con sinh ra mắc bệnh tâm thần phân liệt, ung thư và dị dạng sẽ cao gấp đôi so với các đứa trẻ sinh ra lúc cha của chúng từ 25 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, dưới 25 tuổi thì tinh trùng còn non nên cũng dễ sinh con mắc bệnh. Các nhà khoa học cho lời khuyên các ông bố chỉ nên sinh con ở tuổi 26-40.

Có phải những cặp vợ chồng mà vợ to khỏe hơn thì sinh toàn con gái?

Đây là những thông tin sai lệch và không có căn cứ khoa học. Sinh con trai hay gái là do sự gặp gỡ rất tình cờ của tinh trùng Y hay X của người chồng với trứng của người vợ. Tinh trùng Y quyết định sinh con trai, tinh trùng X quyết định sinh con gái.

Trong cuộc sống thiếu gì đôi vợ chồng mà vợ to khỏe hơn vẫn sinh con trai, có người có đến 3 con trai.

Thuốc tránh thai có ảnh hưởng tới sinh nở không?

Các thuốc tránh thai đang lưu hành chính thức ở nước ta đều rất an toàn, không ảnh hưởng nhiều đến việc sinh nở về sau, tuy nhiên có làm chậm trở lại khả năng sinh nở. Có nghĩa là khi định sinh nở thì sớm ngừng sử dụng thuốc.

Thuốc tránh thai thường được làm bằng các chất progestogen tổng hợp, đôi khi kết hợp với chất estogen tổng hợp. Mọi viên thuốc chống thai đều dễ sử dụng, có hiệu quả cao, làm gia tăng kích cỡ bầu vú, giảm tỷ lệ u nang lành tính và ung thư buồng trứng, giảm hội chứng tiền kinh nguyệt, giảm nguy cơ thiếu máu, giúp điều hòa kinh nguyệt, giảm đau và giảm làm chảy máu.

Lắc vòng có làm teo buồng trứng?

Lắc vòng là môn thể dục phổ biến trên thế giới. Không có cơ sở khoa học nào nói lắc vòng sẽ dẫn đến teo buồng trứng.

Theo VTV, VNE
  • 939