Hiện nay, vấn đề bản quyền cho các tác phẩm văn học - âm nhạc Việt Nam trên Internet đang đặt ra cho các nhà quản lý những thách thức trong việc quản lý cũng như thi hành. Điều này càng được nói đến nhiều hơn nữa, khi bắt đầu từ ngày 1/7 tới đây, luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam chính thức có hiệu lực.
Những vấn đề còn bỏ ngỏ
Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chính thức hoạt động từ năm 2002, là đại diện cho 830 nhạc sĩ thông qua các hợp đồng uỷ nhiệm, là đại diện hợp pháp cho các nhạc sĩ ở 16 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhưng ảnh hướng của Trung tâm hiện hầu như chưa vươn tới môi trường Internet.
Theo thống kê của Trung tâm, có tới ít nhất 20 website nghe nhạc online của Việt Nam đang vi phạm bản quyền. Bao gồm website của các cơ quan báo chí, sinh viên trong và ngoài nước. Trong đó, có chứa khối lượng lớn các file mp3 cho tải về miễn phí. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác bình thường của các tác giả - là một biểu hiện vi phạm nghiêm trọng luật bản quyền.
Còn Trung tâm bản quyền tác giả văn học Việt Nam, hiện chỉ 5 người. Tất cả những gì họ có thể làm cho đến giờ phút này là đánh máy lại các tác phẩm lớn đã in, lưu thành kho dữ liệu số, để chờ ngày giao dịch trên Internet. Thế nhưng, không chờ đến các bản đánh máy đó, hiện nay đã có hàng chục trang web đăng tải các tác phẩm văn học miễn phí. Và tất nhiên, nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát về mức độ toàn vẹn cũng như bản quyền tác phẩm.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Đặc trưng của môi trường số là sự mở rộng chia sẻ đến mức tối đa. Nhìn một cách bề ngoài, những quy định của luật bản quyền sẽ hạn chế đặc tính ưu việt này, nhưng thực chất, nó lại đang góp phần lành mạnh hoá và tạo ra một môi trường nghệ thuật online thực sự văn minh. Và ở một mức độ toàn diện hơn, đó chính là động lực để khích lệ sáng tạo, xây dựng đời sống nghệ thuật văn minh.
Trong khi chúng ta chưa có các quy định rõ ràng về việc thu phí, chưa phổ biến hình thức thanh toán điện tử, khả năng kiểm soát dữ liệu điện tử chưa cao, thì vấn đề bản quyền trên Internet mới chỉ dừng lại ở việc đòi hỏi sự tôn trọng quyền nhân thân, chứ họ hầu như chưa thể nghĩ đến vấn đề quyền tài sản. Nghĩa là, trong khi chưa thể trông chờ vào bất cứ một khoản thu nhập nào từ việc phát hành trên mạng. Các tác giả chỉ có thể mong cho những đứa con tinh thần của mình, không bị xuyên tạc, cắt xén, hay làm sai lệch.
Tuy nhiên, đối với người nghe, khi luật chưa chạm đến họ, thì chẳng bao giờ họ lại tự đi mua dây buộc mình. Người nghe sẽ vẫn cứ thưởng thức các tác phẩm miễn phí chừng nào có thể. Còn để đòi được quyền lợi cho mình, thì chính các nhạc sĩ lại phải là người chủ động. Mà quan hệ dân sự là quan hệ mà khi phát hiện ra vi phạm, người bị vi phạm phải kiến nghệ lên một cơ quan nào đó giải quyết, chứ không ai mặc nhiên đi tìm.
Và những hệ quả tới đời sống nghệ thuật
Không có ý thức về bản quyền, thiếu trách nhiệm đối với tác giả - tác phẩm, đó là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tình trạng tam sao thất bản. Và khi độc giả phải thưởng thức những tác phẩm như vậy, vô hình chung, đời sống nghệ thuật của chúng ta đang yếu đi một cách ngấm ngầm.
Trong bối cảnh hiện nay, liệu chúng ta có thể đóng cửa ngay những trang web đang vi phạm bản quyền đăng tải các tác phẩm văn học - âm nhạc không? E rằng chưa thể, vì trước hết nó động chạm đến quyền lợi thiêng liêng của công chúng Internet - quyền lợi hưởng thụ rộng rãi các tác phẩm ở mọi nơi, mọi lúc.
Trước kia, các quy định về bản quyền tác phẩm văn học và âm nhạc ở Việt Nam có được cụ thể hoá bằng nghị định. Nhưng bắt đầu từ 1/7/2006, luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực sẽ là một căn cứ rất tốt để cho các tác giả có thể đòi quyền của mình một cách hợp pháp.
Rõ ràng, khi khả năng tự ý thức về quyền lợi bản thân của chính các tác giả được nâng cao, cùng với sự hoàn thiện hóa về mặt luật pháp, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự phát triển bền vững của đời sống văn học - âm nhạc nước nhà. Bởi khi đó đã có sự hiện hữu của luật sở hữu trí tuệ đi liền với chìa khóa công nghệ, thanh toán điện tử và ý thức pháp luật của công dân.
Linh Thủy