Bản quyền phần mềm trước thềm WTO

  •  
  • 77

Việt Nam đang nằm trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao. Việc giải quyết vấn đề này luôn được đặt ra trong các cuộc đàm phán của Việt Nam gia nhập WTO.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Christophe Desriac, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam về các giải pháp của Microsoft đối với vấn nạn vi phạm bản quyền phần mềm.

Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập WTO, theo ông, điều này sẽ có tác động như thế nào tới sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam? Sự hỗ trợ của Microsoft cho vấn đề này?

Theo tôi, việc Việt Nam gia nhập WTO trong thời gian tới sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam.

Khi đã là thành viên của WTO, các nhà đầu tư từ các nước sẽ thấy yên tâm hơn đối với môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Một trong những vấn đề nhạy cảm khi gia nhập WTO là phương thức đầu tư vào dịch vụ viễn thông của các công ty đa quốc gia, thị trường này mở đến đâu.

Tuy nhiên, viễn thông là một nền tảng quan trọng cho sự phát triển của công nghệ thông tin. Vì vậy, cần nhìn nhận việc gia nhập WTO trên một phương diện rộng của sự tác động đến nền kinh tế Việt Nam...

Trong cuộc tiếp ông Eduardo, Tổng giám đốc Microsoft khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 10/2005, Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng đã đề nghị Microsoft với tư cách là một hãng lớn của Mỹ, giúp tác động với Chính phủ Mỹ để thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ về việc Việt Nam gia nhập WTO.

Microsoft sẽ có những chuẩn bị và thay đổi như thế nào về mặt chiến lược và hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO?

Nếu vào năm 2006, Việt Nam trở thành thành viên của WTO, thì đó là một điều đáng mừng cho nhiều công ty đa quốc gia, trong đó có Microsoft.

Với Microsoft, chiến lược đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ không thay đổi, Microsoft sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong một số đề án quan trọng như tư vấn triển khai chiến lược quốc gia về công nghệ thông tin với Bộ Bưu chính Viễn thông, triển khai chính thức chương trình Đối tác trong giáo dục với Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai chương trình hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhằm giúp trang bị công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Được biết Microsoft đang trong quá trình hoàn thiện để ra mắt hệ điều hành Windows Việt hoá, ông có thể cho biết Microsoft sẽ phát hành sản phẩm này ra thị trường theo phương thức nào? Ông có hy vọng phiên bản này sẽ giải quyết được vấn đề bản quyền phần mềm của Microsoft tại Việt Nam?
 
Windows XP Starter Edition là phiên bản được bản địa hoá dành cho các đối tượng lần đầu sử dụng máy tính. Phiên bản này có giao diện tiếng Việt và các hình nền là những phong cảnh, những thiết kế đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra, phiên bản này còn có một hệ thống trợ giúp phong phú gồm các hướng dẫn dưới dạng bài học và video nhằm giúp những người lần đầu sử dụng máy tính làm quen với các thao tác máy tính như bàn phím, con trỏ và bao gồm một hướng dẫn chi tiết về quy trình sử dụng máy tính, các bài luyện tập về sử dụng máy tính và mô tả từng bước các thao tác thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản.

Phiên bản Windows XP Starter Edition sẽ được cung cấp cho người tiêu dùng ở Việt Nam thông qua các nhà sản xuất, lắp ráp máy tính.

Vi phạm bản quyền phần mềm và Starter Edition là hai vần đề hoàn toàn khác nhau. Trong vi phạm bản quyền phần mềm, những người đã sử dụng máy tính từ lâu vẫn có thể vi phạm, trong khi bản Starter Edition là một sản phẩm độc đáo của dòng sản phẩm Windows được thiết kế dành cho những người lần đầu sử dụng máy tính.

Như vậy thì theo ông, đâu mới là giải pháp cuối cùng cho vấn đề bản quyền phần mềm của Microsoft tại Việt Nam?

Tôi thiết nghĩ để có thể giảm được nạn vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam mà theo thống kê là có tỷ lệ cao so với các nước khác trên thế giới, Chính phủ cần phải xây dựng được một khung pháp lý về bản quyền chặt chẽ, nâng cao hiểu biết của người dân về vấn đề này và phải có những hình phạt nghiêm minh khi có ai đó vi phạm.

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật sở hữu trí tuệ là một mốc quan trọng, vấn đề là làm thế nào để các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân thấu hiểu và thực thi các điều khoản của luật này trong thực tế. Việc thực thi bản quyền phần mềm còn có tác động tích cực đến sự phát triển nền công nghiệp phần mềm của Việt Nam.

Theo vnMedia
  • 77