Khi trái đất nóng lên khiến khí hậu trở nên khắc nghiệt, những vùng đất rộng lớn sẽ phải hứng chịu nhiều cơn mưa và mưa tuyết lớn hơn bây giờ, kéo theo các cơn bão dữ dội, một nghiên cứu mới vừa dự báo điều này.
"Các mô hình cho thấy hầu hết khu vực trên khắp thế giới sẽ phải đón nhận lượng mưa nhiều hơn trong mỗi cơn bão trong thế kỷ này", trưởng nhóm nghiên cứu Gerald Meehl từ Trung tâm nghiên cứu khí tượng quốc gia Mỹ cho biết.
Lượng mưa và tuyết sẽ tăng trung bình khoảng 10-20%, Meehl nói. Các cơn bão mạnh hơn có khả năng xảy ra nhiều nhất vào cuối thu, mùa đông và đầu xuân. Việc tăng lượng mưa sẽ xảy ra trên đất liền ở vùng nhiệt đới, nơi bầu khí quyển ấm lên nhanh nhất.
Dựa trên các mô hình máy tính, Meehl và cộng sự dự báo rằng những vùng có nguy cơ hứng chịu bão mạnh hơn là những vùng có sự hội tụ các khối khí ẩm lớn. Chúng bao gồm Tây Bắc và Đông Bắc Nam Mỹ, Bắc Âu, Bắc Á, bờ biển phía Đông châu Á, Tây Nam Australia và vùng Nam trung bộ của Nam Mỹ.
Lý do của sự gia tăng các cơn bão mạnh là khi trái đất nóng lên, nhiệt độ bầu khí quyển cũng như bề mặt đại dương tăng cao, khiến cho hiện tượng bốc hơi tăng và hơi ẩm tích luỹ ngày một nhiều trong không khí. Khi khối khí ướt đẫm này di chuyển từ đại dương vào đất liền, các cơn bão hình thành sẽ mang theo nhiều mưa (tuyết) hơn.
Song song với một số vùng hứng chịu những cơn bão mạnh hơn, thì các vùng khác lại phải chịu nguy cơ hạn hán trong những tháng nóng, nghiên cứu kết luận. "Khi khí hậu trở nên nóng bức hơn, chúng ta sẽ cảm nhận những hiện tượng này ngày một rõ ràng, mạnh mẽ", Meehl nói.
Các nghiên cứu độc lập gần đây cũng phát hiện thấy những cơn bão nhiệt đới đang trở nên hung hãn hơn - mặc dù tần suất xuất hiện giảm - mà nguyên nhân có thể là do nhiệt độ nước biển tăng cao. Trong một nghiên cứu khác, Jeffrey Yin từ Trung tâm nghiên cứu khí tượng quốc gia Mỹ đã sử dụng các mô hình khí hậu trên máy tính để chỉ ra rằng các cơn bão tuyết và mưa trên diện rộng (còn được gọi là bão front) đang di chuyển dần về hai cực, cũng là sản phẩm của hiệu ứng nhà kính.
Nghiên cứu của Meehl phỏng đoán rằng hành tinh chúng ta sẽ tiếp tục có sự gia tăng lượng mưa trong vài thập kỷ tới, bất kể con người có thực hiện biện pháp thay đổi nào hay không.
"Ngay cả nếu bạn có thể giữ ổn định lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển như ở mức hiện nay, hệ thống vẫn đã có một độ quán tính nhiệt nhất định, và sẽ phải mất vài thập kỷ nữa để ổn định nó", ông nói.
Phân tích này trùng hợp với các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng sẽ không có cách gì ngăn được hiện tượng trái đất ấm lên trong thế kỷ này.
T. An (theo LiveScience)