19h chiều 14/9/2015, tâm bão cách bờ biển Quảng Nam - Quảng Ngãi khoảng 30km, duy trì sức gió mạnh cấp 8, sóng biển cao chừng 3-5m đang đánh mạnh vào bờ kè ven biển.
Tâm bão Vamco cách Quảng Nam khoảng 25km, dự kiến 1-2 tiếng nữa sẽ đi vào tỉnh này và một phần Quảng Ngãi.
Hoàn lưu sau bão gây mưa khắp miền Trung, lan rộng ra cả thủ đô Hà Nội.
Giờ Bangkok, Hanoi, Jakarta (GMT+7)
18h00
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, tâm bão đang trên vùng biển các tỉnh Đà Nẵng - Bình Định, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm 75km/h (cấp 8), giật cấp 9-10. Giữ hướng Tây, sau đó là Tây Nam, tốc độ 15km mỗi giờ, tối nay tâm bão sẽ đi vào các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. (Ảnh: NCHMF).
Hoàn lưu bão đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 tại đảo Lý Sơn và đảo Cồn Cỏ. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa to. Tổng lượng mưa tính đến 13h ngày 14/9/2015 phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm như: Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 258mm; Tiên Sa (Quảng Nam) 257mm; Trà Khúc (Quảng Ngãi) 21 mm...
Trước đó chiều 13/9/2015, vùng áp thấp ở giữa biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và đến đêm cùng ngày thì phát triển thành bão - cơn bão số 3 ở biển Đông với tên quốc tế là Vamco. Do hình thành ngay sát bờ, bão không không mạnh, nhưng hoàn lưu trước và sau bão có thể gây mưa lớn cho Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên.
18h10
Đà Nẵng đang có gió to, sóng biển dữ dội. Những đợt gió liên tục từ sáng khiến nhiều cây xanh bật gốc, nhiều tấm biển quảng cáo điện tử trên đường Bạch Đằng bị đánh bật, hư hỏng hoàn toàn. Đường Hàm Nghi (quận Thanh Khê) bị cấm lưu thông ở đoạn qua bờ hồ. Tương tự, cầu Thuận Phước được đặt hàng rào cấm lưu thông từ trưa 14/9. Sáng nay, nhiều người đi xe máy qua cầu này gặp nguy hiểm khi gió liên tục giật mạnh.
Lực lượng công an đang túc trực ở những điểm này, phía trong đoạn đường cấm nhiều cây đã ngã đổ.
Tấm pano và cây xanh dưới chân cầu quay sông Hàn bị sóng giật tung. (Ảnh: Nguyễn Đông).
Là địa phương tâm bão đi qua, Quảng Nam trời tạnh mưa, nhưng gió bắt đầu rít liên hồi. Tại bãi biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, gió giật trên cấp 7, sóng biển cao chừng 5m, đánh mạnh vào bờ kè tung bọt trắng xóa. Hàng trăm nhà hàng tại đây đã chằng chống, đóng kín cửa. Trong khi đó, lực lượng chức năng vẫn đang hối hả tỉa cành cây trên các tuyến phố trước khi bão đổ bộ.
Hàng dừa dọc bờ biển Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ. (Ảnh: Tiến Hùng).
18h20
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng và Phát triển huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, suốt 30 phút qua, trời nổi mưa giông kèm theo sấm sét, gió giật mạnh. Đường liên xã trên huyện đảo vắng không bóng người. Hiện ngư dân đã đưa 61 lồng tôm hùm vào cảng neo đậu an toàn. Hàng trăm hộ dân ven đảo cũng đã giằng chống nhà cửa phòng chống bão.
Trên đất liền Quảng Ngãi, gió cũng giật mạnh. Mưa to nhiều giờ trước khiến nhiều đoạn đường ở thành phố bị ngập.
Người dân gấp rút giằng néo nhà cửa. (Ảnh: Trí Tín).
18h30
Ở Quảng Nam hầu hết người dân các vùng có nguy cơ bị ảnh huởng lớn do bão đều di tản theo kiểu cục bộ. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay, nhà nào yếu sẽ được đưa qua trú tạm tại các hộ có nhà kiên cố. Để tránh bị ngập úng, các hộ dân trên tuyến phố thấp đã di dời tài sản đi nơi khác.
Tại các xã ven biển TP Tam Kỳ, chính quyền chỉ đạo người dân tự di tản, một số ít được đưa đến các truờng học, trạm y tế để tránh trú.
Cầu Thuận Phước được đặt hàng rào cấm lưu thông từ trưa. (Ảnh: Nguyễn Đông).
Tại Đà Nẵng, hệ thống điện trên cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu quay Sông Hàn đều bị cắt để đảm bảo an toàn. Các tàu thuyền trên sông Hàn neo đậu tại bến, không còn lưu thông. Mưa lớn kèm theo gió giật mạnh khiến xe máy đi lại trên cầu Rồng khó khăn, các biển quảng cáo chưa tháo dỡ hết ở một số điểm bị giật tung.
18h40
Người dân TP Quảng Ngãi hối hả trở về nhà trên các tuyến đường ngập nước.
18h50
Ảnh vệ tinh về bão Vamco lúc 18h50.
Ảnh mây vệ tinh cho thấy, tâm bão (vùng trắng đậm đặc ở giữa) đang tiệm cận đất liền. Do hình thành ven bờ, cường độ bão chỉ cấp 8 nên vùng trắng đậm đặc nhỏ. Tuy nhiên, hoàn lưu sau bão (vòng mây màu trắng nhạt xung quanh tâm) khá rộng, gây mưa to cho khắp các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum - Gia Lai, lượng mưa trong 3 ngày tới khoảng 200-300mm.
19h00
Tại Đà Nẵng, tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành dài 20 km từ trung tâm thành phố đến quận Liên Chiểu có gió giật cấp 8, nhiều cây cối bị bật gốc hoặc rạp nghiêng về một bên. Hàng quán đóng cửa im lìm, trong khi đó tàu sắt Bắc Nam vẫn hoạt động bình thường.
Đường Nguyễn Tất Thành vắng người lưu thông vì ven biển có gió giật mạnh. (Ảnh: Nguyễn Đông).
Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, tâm bão đang cách bờ biển Quảng Nam khoảng 25-30km, chỉ 1-2 tiếng nữa sẽ đi vào đất liền Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi. Tiến sâu vào đất liền, bão sẽ nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay trong đêm.
Điều lo ngại nhất, theo ông Hải, là hoàn lưu sau bão gây mưa diện rộng cho khắp các tỉnh miền Trung, Bắc Tây Nguyên và lan ra cả đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội. Chiều mai, Hà Nội sẽ có mưa.
19h20
Tại Quảng Ngãi, mưa lớn bắt đầu nặng hạt ở huyện Bình Sơn. Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, đêm nay nhà máy phân công túc trực hơn 400 chuyên gia, kỹ sư, công nhân trên công trường tại các vị trí then chốt. Trước đó, các kỹ sư, công nhân đã chằng chống một số hạng mục công trình và dọn dẹp vật tư thiết bị, phòng gió mạnh xô ngã gây thương tích cho người lao động và tránh thiệt hại về vật chất.Tại khu kinh tế Dung Quất, công trình trọng điểm quốc gia vẫn hoạt động bình thường.
19h30
Theo Trung tâm phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh đã di tản 1.400 hộ dân ở các huyện Thăng Bình, Hội An, Núi Thành đến nơi an toàn. Người dân chủ yếu di tản cục bộ, nhà này ở ghép với nhà kia.
Chị Nguyễn Thị Vỹ (bìa phải) cùng đứa con một tháng rưỡi đang tránh bão ở Trạm y tế xã Tam Thanh. (Ảnh: Tiến Hùng).
Sau bữa cơm tối vội vàng, mẹ con chị Nguyễn Thị Vỹ (26 tuổi) được chồng chở tới Trạm y tế xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, để trú bão. "Chồng tôi phải về dọn dẹp tài sản trước khi bão vào, tối nay anh ấy phải ở lại để giữ nhà. Ở đây chỉ có người già và trẻ nhỏ", chị Vỹ nói.
Sợ người dân bị đói, Trạm y tế đã hỗ trợ mì tôm. Dự kiến tối nay có khoảng 100 người sẽ di tản đến trạm y tế phường Tam Thanh để trú bão.
19h50
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), bão áp sát bờ, gió giật mạnh cấp 8 khiến biển động dữ dội, từng đợt sóng vỗ lên bờ kè cao 5-6m. Mưa giông kèm theo sấm chớp liên hồi, dọc đường nhiều cây bị gãy nhánh. Người dân đóng chặt cửa không dám ra ngoài. Huyện đảo bị mất điện tạm thời khoảng 20 phút và đã có trở lại.
20h10
Tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), trời ngừng mưa được khoảng 30 phút và đặc biệt lặng gió. Các tuyến đường vắng người qua lại. Thấy trời yên, một số quán đã mở cửa trở lại.
"Cảm giác như bão đã tan, thành phố yên ắng quá. Hay đây chỉ là phút yên bình trước tâm bão, sự yên lặng đến đáng sợ", một người dân ở TP Tam Kỳ thốt lên.
Thành phố Tam Kỳ trời tạnh, không một cơn gió. Đường phố bắt đầu có nhiều người qua lại. (Ảnh: Tiến Hùng).
Theo các chuyên gia khí tượng, khi tâm bão đi qua khu vực nào thì nơi đó sẽ tĩnh lặng trong thời gian ngắn, sau đó gió lại giật mạnh.
20h25
Trong khi Quảng Nam tâm bão đang tạm yên ắng thì tại Đà Nẵng, mưa không lớn nhưng gió giật liên hồi thổi lên những khu nhà lợp mái tôn nghe lạch cạch. Một số khu vực ở quận Hải Châu bị mất điện từ 17h chiều đến giờ vẫn chưa có.
Trời Đà Nẵng hầu như lặng gió, ngớt mưa. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp Đà Nẵng cho biết, hiện hơn 1.000 tàu thuyền của ngư dân địa phương đã về bờ trú bão an toàn. Thành phố cũng có kế hoạch di dời dân ở một số xã của huyện Hoà Vang, nhưng do bão chuyển hướng không đổ bộ vào thành phố nên không phải di dời.
Hiện thành phố còn hơn 100 ha lúa chưa gặt có nguy cơ hư hại do bão. Một số cây mới trồng trên địa bàn đã bị gió quật đổ. "Lực lượng ứng phó bão từ thành phố đến các quận, huyện vẫn đang ứng trực, sẵn sàng ứng phó nếu có tình huống xảy ra", ông Ban nói.
Tàu thuyền về nơi trú ẩn tại âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng. (Ảnh: Nguyễn Đông).
20h45
Tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, bão đang đổ bộ vào khu vực giữa TP Tam Kỳ và huyện Thăng Bình. "Tuy nhiên có thể nó đã suy giảm nên tại khu vực Quảng Nam hiện không cảm nhận được", ông Thanh nói và khuyến cáo người dân không được chủ quan khi thấy trời tạnh, lặng gió.
Cuối giờ chiều, tỉnh Quảng Nam đã kêu gọi 91 tàu thuyền với hơn 2.000 lao động đang hoạt động ngoài khơi Trường Sa, Hoàng Sa di chuyển khỏi nơi ảnh hưởng của bão. 11 tàu du lịch neo đậu ở cảng du lịch Hội An cũng được chủ phương tiện đưa đi tránh trú.
“Tại Cửa Đại, nước biển dâng cao, sóng lớn, nhưng cho đến cuối giờ chiều tôi đi kiểm tra thì chưa thấy hiện tượng sạt lở”, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết. Hiện tại, điện lực Quảng Nam vẫn đảm bảo điện sinh hoạt cho người dân, không bị cắt.
Hoàn lưu trước bão đã gây mưa lớn ở Quảng Nam khiến hàng nghìn hecta hoa màu có nguy cơ bị ngập úng, trong đó hơn 1.600 hecta lúa đang chuẩn bị thu hoạch. Nhiều cánh đồng lúa bị ngập sâu đến một mét.
21h00
Tại Tam Kỳ (Quảng Nam), gió nhẹ kèm theo mưa bắt đầu xuất hiện sau hơn nửa tiếng yên lặng. "Theo kinh nghiệm của tôi thì mắt bão đã đi qua đây. Giờ đến lúc gió sẽ quật mạnh", ông Nguyễn Văn Dũng (90 tuổi, ở Tam Kỳ), lo lắng nói.
Tại Hội An, trời mưa nhỏ nhưng gió giật mạnh cấp 6. Chính quyền đã cho chằng chống 58 ngôi nhà cổ đề phòng mưa gây sự cố. Nước sông Hoài dâng cao một mét, ngập đường Bạch Đằng, tương đương báo động 1.
21h20
Tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), gió lại giật mạnh, hàng cây ven đường ngả nghiêng. Một vài khu vực đã bị cắt điện.
Bản tin lúc 21h của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, sau khi đi vào Quảng Nam - Quảng Ngãi, gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 tại đảo Lý Sơn, vùng ven biển có gió giật cấp 6-7, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Hiện tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi, sức gió mạnh nhất 60km/h (cấp 7), giật cấp 8-9. Trong khoảng 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, sau đó là Tây Tây Nam, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Từ đêm nay đến hết ngày 16/9/2015, các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, Kon Tum có mưa to 150-250mm, khu vực Đà Nẵng đến Quảng Ngãi mưa 100-150mm. Từ ngày 15-18/9/2015, vùng mưa mở rộng ra các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (200-300mm) và đồng bằng Bắc Bộ (50-150mm). Các sông từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ.
Dự kiến đường đi và khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: NCHMF).
21h30
21h30, dù bão đã tan, nhưng áp thấp nhiệt đới vẫn khiến Đà Nẵng có gió giật cấp 4-5. Chủ một khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp cho biết, sóng và gió lớn dội vào ven biển Đà Nẵng suốt nửa tiếng qua và hiện chưa ngớt. "Nhờ chủ động phòng tránh nên khách sạn của chúng tôi chưa ghi nhận thiệt hại", vị này nói.
Tại Quảng Ngãi, nhiều khu dân cư giữa trung tâm thành phố bị cúp điện từ 17h chiều đến giờ vẫn chưa có trở lại. Đường phố vắng tanh không một bóng người. Huyện đảo Lý Sơn đã tạnh mưa, ngớt gió, nhiều cây cối ven đường liên xã và trong vườn nhà dân đổ sau khi cơn bão quét qua.
21h40
Tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), trời chỉ còn gió nhẹ, mưa nhỏ. Khi nghe tin bão tan, nhiều phụ nữ, trẻ em tránh trú bão ở trạm y tế Tam Thanh đã lục đục ra về.