Bảo vệ mi mắt

  •  
  • 3.203

Nhiễm khuẩn, mụt lẹo, chắp hay dị ứng… là các bệnh có liên quan đến mi mắt. Hiểu biết về những bệnh lý này giúp bạn giữ được đôi mắt luôn tươi đẹp. Mi mắt với độ dày 0,35mm và hơn 10.000 lần co cơ mắt trong một ngày, da ở mi mắt rất thuận lợi cho các bệnh lý.

Chúng ta thấy mi mắt rất nhạy cảm và mong manh. Thế mà, nó hợp thành “thành lũy” bảo vệ cuối cùng của đôi mắt. Phải chú ý đến mi mắt nhằm tránh nhiễm bệnh có tác động đến đôi mắt.

Viêm mi mắt là gì?

Chắp mi mắt

Chắp mi mắt (Ảnh: TTO)

Đó là viêm tấy ở bờ mi có khả năng liên kết với viêm kết mạc mắt. Bệnh lý này thường hay tái nhiễm.

Triệu chứng: Viêm mi mắt biểu hiện bằng hiện tượng phù mi mắt, bờ mi bị đỏ. Đôi lúc, hình thành vẩy kết ở lỗ chân lông mi có cảm giác khó chịu ở mi. Sáng sớm mi bị dính có khả năng xuất hiện ngứa hay cảm giác có vật lạ trong mắt.

Điều trị: Một loại gel kháng sinh kết hợp với thuốc nhỏ mắt đủ để chữa lành bệnh viêm mi mắt. Nếu mi mắt bị sưng tấy, liệu pháp corticoid tại chỗ có lẽ cần thiết.

Cẩn thận: Những người bị mụn trứng cá đỏ hoặc vẩy gàu, da nhiều mỡ hoặc mắt bị khô có nguy cơ tái nhiễm.

Không nên làm: Mang kính sát tròng trong thời gian điều trị.

Nên làm: Giữ vệ sinh tuyệt đối là chìa khóa an toàn để tránh tái nhiễm. Đắp gạc ấm lên vẩy kết ở phía dưới mi mắt để làm cho mềm, làm nhiều lần trong ngày, mỗi lần 10 phút. Rồi dùng que tăm có quấn bông thấm dầu gội trẻ em để rửa, xả lại bằng nước muối sinh lý.

Điều cần biết: Vệ sinh kém có nguy cơ dẫn đến biến chứng như mụt lẹo hay chắp.

Chữa mẹo: Vào ban đêm, dùng máy điều ẩm rất hiệu quả đối với mắt bị khô. Ban ngày, nhắm mắt lại, xoay tròng mắt theo đường tròn, làm nhiều lần trong ngày. Bổ sung thêm thuốc nhỏ mắt chống mắt bị khô.

Mụt tẹo?

Một nốt nhiễm trùng nhỏ ở bờ mi có dấu hiệu nhiễm tụ cầu khuẩn, một chấm mủ trắng mọc lên có dạng như hạt đậu và đặc sệt. Mọc trên mặt phía ngoài hàng mi, đầu đinh này thường tập trung ở dưới mi mắt.

Triệu chứng: Áp-xe, gây ra cảm giác căng cứng và đau nhức. Nó xuất hiện rất nhanh và tiến triển bằng các lỗ mở ra để cho mủ thoát ra ngoài rất đau và thường tái phát.

Điều trị: Mụt lẹo tự thải. Muốn mau lành nên bôi thuốc kháng sinh 3 lần/ngày.

Nên làm: Vệ sinh mi mắt rất cần để tránh tái nhiễm. Dùng que tăm có gắn bông tẩm nước khoáng để lau.

Không nên làm: Dụi mắt bằng tay. Dùng kim chọc mụt lẹo vì có nguy cơ nhiễm trùng.

Chắp (Chalazion) là gì?

Là cục u cứng, có giới hạn, mọc trên mặt phía ngoài mi mắt. Sự xuất hiện của nang có liên quan đến ống của tuyến Meibomius bị tắc. Tuyến này tạo ra lipid để hòa với nước mắt.

Triệu chứng: Mi mắt bị sưng tấy lên, da trở nên đỏ và tiết ra chất màu trắng làm dính lông mi. Khi khô lại, chất này trở thành mảnh vẩy ngăn không cho mi mắt mở ra được. Bệnh chắp ít gây đau như mụt lẹo và tiến triển chậm hơn.

Điều trị: Liệu pháp corticoid cũng đủ làm cho chắp lặn mất. Nếu chắp không lặn, gây tê tại chỗ để rạch lấy mủ ra. Chắp thường tái phát. Để giới hạn chắp mãn tính, điều trị chuyên khoa là cần thiết.

Nên làm: Dùng miếng gạc nhúng nước nóng đắp lên để làm cho chắp mau “mùi”.

Nên biết: Những người mắc bệnh chắp thường xuyên nên đi xét nghiệm để đề phòng bệnh ung thư tuyến Meibomius.

Dị ứng mi mắt ra sao?

Phần da ở mi mắt có rất nhiều tế bào nhạy cảm. Một tiếp xúc nhẹ với chất gây dị ứng đủ để kích thích phản ứng miễn dịch. Những sản phẩm có liên quan được sử dụng trực tiếp trên mi mắt (phấn trang điểm, thuốc kẻ mi mắt, mascara), ở một khoảng cách (thuốc nhuộm tóc), phần mặt (phấn làm nền, kem thoa mặt) hoặc bàn tay (sơn móng tay). Những rủi ro cũng xảy ra bởi tiếp xúc với mỹ phẩm hoặc gọng kính.

Triệu chứng: Bệnh chàm (eczema) có thể rỉ nước hoặc ngược lại, khô và đỏ giống như da voi. Dị ứng gây ngứa ngáy và có cảm giác đau nhức.

Cách điều trị: Ngưng dùng ngay chất dị ứng bị nghi ngờ. Tạm thời loại bỏ tất cả mỹ phẩm đang sử dụng khi bệnh eczema biến mất, sau đó hãy sử dụng lại mỹ phẩm của từng loại một trong khoảng thời gian cách nhau một tuần lễ để tìm ra chính xác “thủ phạm”.

Nên làm: Để giảm cảm giác co rút nên bôi thuốc mỡ có gốc vitamin A hoặc vaseline. Nên chọn thuốc nhỏ mắt với liều duy nhất không chứa chất gây dị ứng. Lựa chọn kính dán tròng (lentieles) hằng ngày thích hợp vì sản phẩm này có lúc gây kính thích mắt.

Không nên làm: Dụi mắt có thể gây dị ứng.

Chấn thương mắt:

Triệu chứng: Sau cú va chạm, mi mắt bị sưng lên và thay đổi màu.

Điều trị: Nên đi khám bác sĩ vì chứng tụ máu gây khó chịu cho mi mắt khi nhắm mở và mắt có thể bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp này, vết bầm được rạch ra để lấy máu tụ. Và được chỉ định dùng thuốc kháng viêm.

Nên làm: Để làm xẹp bớt sưng mi mắt dùng compress lạnh hoặc nước đá bịt trong vải chườm lên vết thương.

Vết thương ở mi mắt

Các vết thương do vật sắc cắt hoặc do súc vật cắn, mọi vết thương trên mi mắt đều là đối tượng được bác sĩ theo dõi. Là vùng có nhiều mạch máu, mi mắt chảy máu rất nhiều. Điều này không tránh khỏi gây ra tình trạng nghiêm trọng.

Điều trị: Nếu là vết thương ở bề mặt thì phải đi khâu lại ngay. Nếu không, bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành làm xét nghiệm toàn bộ để tìm ra thương tổn ở mắt có thể xảy ra và đảm bảo rằng vết khâu không làm ảnh hưởng đến mi mắt lúc nhắm mở tự nhiên. Vết cắn của chó có thể làm rách mi mắt.

Nên làm: Đi cấp cứu ngay. Nếu máu ra nhiều quá phải băng vết thương lại trong khi chờ đợi.

Nên biết: Mọi vết thương ở bề mặt có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh uốn ván (tétanos). Nên đi chích ngừa tức khắc.

Cảnh giác với ung thư

Có đến 60% ca ung thư vùng mặt chiếm vị trí quanh mi mắt. Giáo sư Morax khẳng định: “Đó là một trong những ca ung thư thường gặp, tuy nhiên ung thư mi mắt có tiên lượng tốt”.

Triệu chứng: Là vùng tổn thương bị rỉ máu thường xuyên. Bệnh xuất hiện tùy nơi có thể làm rụng lông mi lông mày…. Ít gây đau đớn, bệnh tiến triển chậm và lớn dần.

Điều trị: Bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh để tìm hiểu nguồn gốc của khối u và giải phẫu lấy khối u.

Cần biết: Không có rủi ro nhầm lẫn với mụt lẹo hoặc chắp. Chỉ có khối u mới thay đổi hình dạng và rỉ máu. Đừng ngại đi khám bệnh nếu nghi ngờ.

BS. ĐẶNG MINH TRÍ

Theo Sức khoẻ & Đời sống, TTO
  • 3.203