Bắt được tín hiệu lạ từ hành tinh giống Trái đất: Gợi ý về sự sống?

  •  
  • 702

Lần đầu tiên các nhà khoa học Mỹ tìm thấy tín hiệu rõ ràng của một trong các yếu tố hàng đầu đảm bảo cho sự sống sinh tồn, trên một ngoại hành tinh rất giống Trái đất.

Theo Live Science, phát hiện đến từ các quan sát gần đây của VLA - kính viễn vọng đo giao thoa vô tuyến đặt tại New Mexico, miền Tây Nam nước Mỹ - khi hướng tầm nhìn về phía ngôi sao YZ Ceti cách Trái đất chỉ 12 năm ánh sáng.

Các nhà khoa học từ Đài quan sát thiên văn vô tuyến Quốc gia (NRAO - Mỹ) không chỉ xác định được quanh ngôi sao này có một hành tinh - mang tên YZ Ceti b - mà còn khẳng định được đó là một hành tinh đá giống Trái đất.


Một từ quyển đủ mạnh mẽ để đài thiên văn Trái đất bắt được tín hiệu có thể đang tồn tại bền vững ở ngoại hành tinh cách 12 năm ánh sáng - (Ảnh: NRAO/TRƯỜNG ĐH ILLINOIS Ở URBANA-CHAMPAIGN).

Tuy khả năng xuất hiện sự sống trên nó là thấp, vì YZ Ceti b ở quá gần ngôi sao và có thể quá nóng, nhưng các nhà khoa học lại tìm được một thứ thú vị hơn: Một số tín hiệu vô tuyến cho thấy dấu hiệu của từ trường.

Từ trường bao quanh một hành tinh, tạo thành lớp bảo vệ gọi là từ quyển, chính là một trong các yếu tố hàng đầu có thể đảm bảo sự sinh tồn của các sinh vật. Trái đất là một ví dụ của hành tinh có từ quyển mạnh mẽ, nhờ đó chúng ta không bị tác động mạnh của các tia vũ trụ.

Nhiều yếu tố khác cấu thành một địa cầu sống được cũng có cơ hội được bảo tồn bền vững, ví dụ nếu không có từ quyển hay sức mạnh của từ quyển này quá yếu thì bầu khí quyển của chúng ta sẽ nhanh chóng bị xói mòn, thậm chí có khả năng nước bị thất thoát ra vũ trụ như Sao Hỏa trong quá khứ.

Cho dù YZ Ceti b có sống được hay không, phát hiện này vẫn là một đột phá lớn trong hành trình chứng minh chúng ta không cô đơn trong vũ trụ.

"Nghiên cứu này không chỉ cho thấy hành tinh đá đặc biệt này có khả năng có từ trường mà còn cung cấp một phương pháp đầy hứa hẹn để tìm thêm" - Giám đốc NRAO Joe Pesce, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Để bắt đầu dễ dàng, các nhà khoa học đã chọn YZ Ceti b vì nó gần ngôi sao mẹ và có thể quan sát rõ. Thế nhưng với phương pháp sàng lọc tín hiệu đã được chứng minh là hiệu quả này, họ sẽ có bước đệm để tiến đến các hành tinh có nhiều yếu tố phù hợp với sự sống hơn. Dạng hành tinh đó đã được tìm thấy không ít và vẫn đang chờ được xem xét thêm.

Với YZ Ceti b, từ quyển của nó còn giúp các nhà khoa học nghiên cứu thêm về ngôi sao mẹ của nó, từ đó tìm hiểu cái gọi là "thời tiết không gian ngoài Hệ Mặt trời".

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.

Cập nhật: 04/04/2023 NLĐ
  • 702