Bất ngờ giao lại bằng chứng mới về MH370, ngư dân tái hiện thảm họa ám ảnh

  •   42
  • 3.891

Theo Dailymail, ông Rusli Khusmin, 42 tuổi, người Indonesia cho biết ông đã nhìn thấy chiếc máy bay mất tích bí ẩn MH370 bốc khói đen và lao xuống eo biển Malacca vào năm 2014.

Theo đó, ông và các thuyền viên đã chứng kiến thảm họa vào sáng ngày 8/3/2014, ở vùng biển ngoài khơi phía bắc Sumatra, Indonesia, thời điểm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines trên đường tới Bắc Kinh (Trung Quốc) mất tích cùng 239 người.

Ông Khusmin khẳng định đã nhìn thấy chiếc máy bay nhả khói đen khi nó đâm xuống eo biển Malacca.

"Tôi nhìn thấy máy bay di chuyển từ bên trái sang bên phải giống một chiếc diều bị rách...Không có tiếng động, chỉ có khói đen do cháy trước khi nó đâm xuống biển", ông phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur ngày 16/1.

Ngư dân trên nói thêm rằng có mùi khói axit nồng nặc trong không khí trước khi máy bay rơi.

Ông Rusli Khusmin đã ghi lại tọa độ của địa điểm nơi ông nói máy bay MH370 rơi xuống biển trên một thiết bị GPS.
Ông Rusli Khusmin đã ghi lại tọa độ của địa điểm nơi ông nói máy bay MH370 rơi xuống biển trên một thiết bị GPS.

Ông Khusmin đã ghi lại tọa độ của địa điểm nơi ông nói máy bay rơi xuống biển trên một thiết bị GPS và giơ một bản đồ để chỉ cho các phóng viên trong cuộc họp báo. Ông đã bàn giao lại thiết bị này cho CASSA, một tổ chức phi chính phủ của Malasyia.

Ông Jacob George, Chủ tịch của CASSA, cho hay ông sẽ chính thức chuyển bằng chứng trên tới Thủ tướng Malasyia Mahathir Mohamad.

Không rõ vì sao máy bay MH370 mất tích từ năm 2014 mà cho tới nay, tức là gần 5 năm, ngư dân trên mới đưa ra thông tin liên quan tới vụ việc này.

Ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur, Malaysia cất cánh đi Bắc Kinh, Trung Quốc chở theo 239 người.

Theo dữ liệu radar quân sự thu được, máy bay lệch khỏi tuyến đường dự kiến khoảng 2h sau khi cất cánh, trong khi không có ghi chép nào về thời tiết xấu hoặc các cuộc gọi đáng lo ngại. Tín hiệu vệ tinh tự động cuối cùng được phát đi lúc 8h sáng. Tín hiệu này được tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí máy bay.

Trong những ngày đầu sau khi MH370 mất tích, các nhà tìm kiếm đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích các giao tiếp điện tử tự động giữa máy bay và phần cứng quỹ đạo. Chính quyền Australia dựa vào đó đã khoanh vùng một khu vực gọi là vòng cung thứ 7 ở Ấn Độ Dương để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.

Khu vực này sau đó được mở rộng ra 120.000km2, tuy nhiên không tìm được bất cứ dấu vết nào của chiếc Boeing 777.

Sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm MH370, chính phủ Malaysia đã dừng cuộc điều tra sau khi thừa nhận họ không biết chuyện gì đã thực sự xảy ra với chiếc máy bay.

Có vô số giả thuyết đã được đưa ra về MH370 và sự biến mất của nó là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không.

Tháng trước, giáo sư Martin Kristensen tại Đại học Aarhaus, Đan Mạch, đã công bố một phân tích toán học về dữ liệu chuyến bay và tuyên bố chiếc máy bay đã lao xuống gần đảo Christmas của Australia.

Sau một loạt các tính toán khoa học tiên tiến, Giáo sư Kristiansen đã đề xuất một khu vực tìm kiếm mới và nói rằng xác suất tìm thấy chiếc máy bay này là “trên 90%”.

Một chuyên gia thuộc tổ chức độc lập MH370 Independent điều tra về vụ chuyến bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích bí ẩn vào năm 2014 mới đây cũng nêu giả thuyết phi công đã qua mặt hệ thống radar.

Chuyên gia Victor Iannello cho rằng có khả năng phi công chủ động nhập dữ liệu vào hệ thống điều khiển tự động nhằm khiến bộ phận kiểm soát radar ở mặt đất tin rằng máy bay muốn đáp xuống Penang khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh.

Theo giả thuyết này, phi công trên thực tế đã điều khiển máy bay rời khỏi đường bay này và mất tích.

Cập nhật: 04/03/2019 Theo NĐT
  • 42
  • 3.891