Các nhà nghiên cứu làm việc tại trạm Scott ở Nam Cực ghi lại bầu trời màu hồng do ảnh hưởng sau vụ phun trào núi lửa ở Tonga hồi tháng 1.
Bầu trời Nam Cực nhìn từ trạm Scott. Ảnh: Stuart Shaw
Tác động tán xạ ánh sáng từ aerosol trong khí quyển aerosol (sol khí là hệ keo của các hạt chất rắn hoặc các giọt chất lỏng, trong không khí hoặc chất khí khác) khiến bầu trời nhuộm màu hồng rực rỡ như loạt ảnh chụp do kỹ thuật viên khoa học Stuart Shaw chia sẻ trên New Atlas hôm 14/7. Vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai ở Tonga hồi tháng 1/2022. Dấu hiệu của hiệu ứng ánh hồng bắt đầu xuất hiện ở New Zealand trong hai tháng qua, kết quả từ aerosol chủ yếu hình thành từ hạt sulphate. Do vụ phun trào đến từ núi lửa dưới nước, các nhà khoa học cho rằng những giọt hơi nước cũng góp phần tạo ra màu sắc kỳ thú trên bầu trời.
Đại diện cho cơ quan nghiên cứu Nam Cực New Zealand làm việc ở trạm Scott, Shaw đã đọc tin tức về bầu trời màu hồng ở quê nhà. Khi bầu trời phía trên Nam Cực có màu sắc tương tự, anh lập tức biết hiện tượng do cùng một hiệu ứng gây ra.
"Thông thường giữa mùa đông, Nam Cực gần như chìm trong bóng tối vô tận. Nhưng năm nay, chúng tôi có thể nhìn ngắm màn trình diễn ánh sáng này, khiến hầu hết mọi người đều khoác áo chạy ra ngoài để chụp ảnh. Tôi không chỉnh sửa ảnh chút nào. Khung cảnh thật tuyệt vời", Shaw chia sẻ.
Dữ liệu từ Viện nghiên cứu nước và khí quyển quốc gia New Zealand cho thấy lượng aerosol dồi dào trong khí quyển phía trên Nam Cực. Aerosol có thể tuần hoàn quanh địa cầu trong nhiều tháng sau một vụ phun trào, phân tán và bẻ cong ánh sáng để tạo ra màu hồng, xanh dương và màu tía.
"Nam Cực ở cách New Zealand 5.000 km và cách Tonga 7.000 km nhưng chúng tôi chia sẻ cùng bầu trời", Jordy Hendrikx, giám đốc cố vấn khoa học của cơ quan nghiên cứu Nam Cực New Zealand, nói.