Bệnh của vĩ nhân

  •  
  • 2.313

Họa phẩm của Vincent Van Gogh, đặc biệt là trong hai năm cuối đời của ông, được đặc biệt chú ý bởi tính đột phá cao trong hội họa. Nhưng đối với các nhà khoa học, những bức tranh này còn cuốn hút bởi gam màu vàng chủ đạo, tần suất xuất hiện các quầng màu hay chứng đồng tử không đều trong các bức tự họa.

Những bức họa bất thường

Van Gogh (Ảnh: studioesseci/VNE)

Việc Van Gogh dùng màu vàng đậm khi vẽ tranh dẫn tới một vài suy diễn về chứng nhìn mọi vật đều có màu vàng (xanthopsie) của ông. Gần như tất cả các bức tranh đều có nền vàng như thể màu vàng là một không gian thống trị khi Van Gogh chắt lọc những tia nắng mặt trời để vãi lên những tác phẩm. Phải chăng ông đã quá thoải mái khi dùng màu vàng hay ông dùng màu này để diễn tả độ đậm ánh sáng?

Ông viết cho em gái mình: “Em nên hiểu rằng thiên nhiên của xứ sở miền Nam này không thể có được câu trả lời chính xác, ví dụ như bảng màu là tím hoa cà nếu như nó xuất xứ từ miền Bắc, nó là chủ đạo và cuối cùng lưu giữ trong màu xám. Bảng màu bây giờ thì rất phong phú, xanh da trời, đỏ cam, đỏ son, vàng rực, xanh sáng, đỏ rượu vang và tím violet. Nó được sử dụng một cách cuồng nhiệt trong các tác phẩm và hướng tới niềm đam mê thực sự. Thay vì tìm kiếm một cái gì đó thật chính xác diễn ra trước mắt, tôi sử dụng màu thật phóng khoáng để diễn tả thật mạnh mẽ”.

Khái niệm ám ảnh màu sắc được xây dựng từ đam mê dùng màu vàng của Van Gogh: “Hiện nay chúng ta có sức nóng mạnh mẽ của niềm vinh quang không thể mua bán được, chính nó đã làm nên những tác phẩm của tôi... Mặt trời, ánh sáng làm cho nó đẹp lên nhiều, tôi chỉ có thể nhớ đến màu vàng, vàng nhạt, vàng chanh, vàng kim loại... Chúng mới đẹp làm sao và tôi thấy chúng rõ hơn khi ở miền Nam. Màu sắc ở đây là không khí giữa trưa vào mùa gặt, trong cái nóng nực vốn có...”.

Kỹ thuật sử dụng ám ảnh màu sắc đã giúp ông diễn đạt một vài cảm giác ví dụ như “cái nóng là một cái gì đấy tạo bởi tia sáng, thật trong trên một nền tối” thậm chí ông còn diễn tả “cùng với màu xanh và màu đỏ, chúng là đam mê của loài người”.

Các ghi nhận cho thấy sự tồn tại của quầng màu xung quanh các nguồn sáng, ánh sao nhiều nhất là trong bức Quán cà phê trong đêm vẽ vào tháng 9 năm 1888. Bức Cà phê vườn, Sao đêm của Saint - Remy vẽ vào tháng 6 năm 1889, Con đường trồng bách tháng 5 năm 1889. Những quầng màu có tính đồng tâm, chúng không phải là tia sáng mặt trời. Sao đêm được vẽ trước cơn khủng hoảng đầu tiên của Vincent. Đó là quán cà phê gần nơi ông sống, nơi ông đã uống rượu và hút thuốc rất nhiều. Trong bức thư gửi cho Théo, ông đã kể về nơi mình sống với các ngôn từ “dường như ban đêm luôn luôn sống động và nhiều màu sắc hơn ban ngày... Căn phòng màu đỏ và vàng đục, một bàn bi-a màu xanh ở giữa, bốn cái đèn màu vàng chanh với những tia sáng màu cam và xanh da trời”. Mỗi một cái đèn cháy bằng gas là một ngôi sao, xung quanh nó là quầng sáng mà cấu tạo của nó rất quan trọng để chân thực hóa.

Trong một vài bức tự họa người ta thấy ông có hai đồng tử kích thước khác nhau. Chúng ta có thể thấy ở bức tự họa lần đầu tiên vào năm 1887, ông đội chiếc mũ màu rơm, ở bức tự họa với chiếc mũ phớt thì không rõ ràng lắm. Ngược lại người ta không thấy điều này ở những bức tự họa khác trong thời kỳ ông ở Arles. Nó cũng không thể hiện ở những người đứng xung quanh trong các bức tranh. Liệu hiện tượng này có phải là hậu quả của việc chiếu sáng đặc biệt?

Bệnh glôcôm có thể là nguyên nhân

Theo FW Maire, Van Gogh có thể bị glôcôm bán cấp hay mạn tính. Bệnh lý gây phù giác mạc do tăng nhãn áp kéo dài, có thể gây ra cảm giác quầng sáng xung quanh các nguồn sáng. Chứng loạn sắc trục xanh - vàng cũng có thể gặp cùng với sự mất bù trừ khi dùng màu vàng. Biểu hiện đồng tử không đều gợi mở một glôcôm bán cấp lui giảm tự nhiên hơn là bệnh glôcôm mạn tính. Tuy nhiên, những tác phẩm của ông không cho thấy việc mất thị trường và người nhà của ông cũng không ai bị glôcôm. Mặt khác nếu cảm giác quầng màu là có thực, chúng còn có thể gặp trong một số bệnh lý khác không phải là glôcôm.

Ngoài bệnh glôcôm, một vài giả thiết bệnh học khác có thể được đặt ra để giải thích cho những bức tranh đặc biệt của Van Gogh: loạn dưỡng giác mạc, đục thể thủy tinh, ngộ độc digital, bệnh lý tâm thần kinh với chứng ảo ảnh hay chứng nghiện rượu.

Loạn dưỡng giác mạc chỉ giải thích được cho cảm giác quầng sáng nhưng không dẫn đến chứng loạn sắc vàng và biểu hiện đồng tử không đều.

Bệnh đục thể thủy tinh có thể dẫn đến tất cả những biểu hiện kể trên. Loạn sắc là triệu chứng kinh điển của đục thể thủy tinh. Cảm giác quầng màu cũng hay gặp trong bệnh này. Đồng tử không đều nhau là triệu chứng thất thường của đục thể thủy tinh, sự có mặt của chúng chỉ gợi mở đơn thuần một vấn đề, đó là sự mất cân đối. Mắt bị đục thể thủy tinh khi gặp những nguồn sáng mạnh thường thấy đồng tử co mạnh, để tăng thị lực hữu dụng. Những ngôi sao mờ nhạt trong các bức tranh có thể giải thích bằng bệnh đục thể thủy tinh. Tuổi của Van Gogh chỉ 35 khi ông vẽ tranh nên khó chấp nhận giả thiết đục thể thủy tinh nhưng chứng nghiện rượu có thể làm cho bệnh đến sớm hơn người khác.

Ngộ độc digital được đặt ra với Van Gogh bởi 3 lý lẽ. Một là trong bức Bác sĩ Gauchet ông vẽ hoa địa hoàng (thứ cây dùng để chiết suất ra digital), hai là ông có thể đã được điều trị bằng digital cho bệnh động kinh bởi bác sĩ Rey, Urpar, Peyron khi ông nằm viện ở Arles sau đó là ở Saint- Remy. Mặt khác chứng ngộ độc digital có vẻ rất tương hợp với những bức tranh đặc biệt của ông nếu không nói là ông bị chứng rối loạn hành vi. Tuy nhiên những ghi chép của ông không hề cho thấy ông đã được điều trị bằng digital ngoại trừ điều gợi mở trong bức tranh Bác sĩ Gauchet như đã nói. Các bác sĩ khác cũng không chắc chắn là ông bị bệnh động kinh và cũng không đề cập đến việc dùng digital. Họ cố khuyên ông vệ sinh ăn uống và từ bỏ rượu, thuốc lá. Trong chứng nhận của bác sĩ Urpar có ghi nhận: “Chứng nhận Gogh Vincent, 36 tuổi, bị chứng ám ảnh với các biểu hiện hoang tưởng đã 6 tháng...”. Biểu hiện đồng tử không đều có thể thấy trong việc quan sát sao đêm năm 1887, dùng màu vàng mạnh bắt đầu năm 1888, quầng sáng trong bức Sao đêm khoảng cuối năm 1888. Tuy nhiên Van Gogh chỉ đến bệnh viện tâm thần vào tháng 12 năm 1888 sau sự kiện bức tranh Người bị cắt tai. Tất cả những ghi nhận này ủng hộ cho giả thiết ngộ độc digital xảy ra với ông?

Bệnh lý tâm thần sở dĩ được đặt ra với ông bởi vì ông có thị giác bất thường, nhìn vật lộn ngược. Những sự kiện đó gợi ý cho chẩn đoán sa sút trí tuệ sớm, bệnh trầm cảm ám ảnh, u não...

Cũng cần nhắc đến tật nghiện rượu và thuốc lá của Van Gogh có thể đóng vai trò nào đó trong thị giác bất thường của ông. Ông uống quá nhiều rượu khi đến Arles. Sau này khi làm bạn với Paul Gauguin, hai người lại có chung một sở thích là rượu. Khi phân tích bức Người bị cắt tai người ta nghĩ ông đã bị mê sảng. Những rối loạn hành vi, cơn kích động khiến người ta nghĩ đến bệnh ngộ độc mạn tính. Rượu apxanh mà ông hay dùng có hoạt chất chính là thuyone, nếu ngộ độc cấp có thể gây cảm giác quầng nhiều màu sắc, nhìn mờ, lú lẫn, giảm cảm giác và hoang tưởng.

(Lược dịch theo Bệnh mắt của những nhân vật lịch sử của nước Pháp) Vincent Van Gogh.

BS. Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương

Theo Vnexpress
  • 2.313