Truyện cổ tích không chỉ là tưởng tượng?

  •   3,76
  • 8.268

Trẻ em trên khắp thế giới đều yêu thích chuyện cổ tích. Những câu chuyện có cốt truyện gắn liền với phép thuật và ma quỷ, các chàng hoàng tử đẹp trai và các nàng công chúa hoặc thiếu nữ xinh đẹp, luôn khơi gợi trí tưởng tượng phong phú và cuốn bọn trẻ vào thế giới thần tiên.

Dẫu vậy, đối với người lớn, hầu hết chuyện cổ tích dường như phi thực tế và không được xây dựng dựa trên bất kỳ nền tảng sự thật nào. Tuy nhiên, nếu nhìn chuyện cổ tích dưới lăng kính khoa học, chúng ta có thể nhận thấy một vài trong số chúng không hẳn là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Quả táo độc

Trong chuyện “Nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn”, công chúa Bạch Tuyết cắn một quả táo và lập tức ngã lăn bất tỉnh nhân sự, rồi chỉ tỉnh dậy nhờ nụ hôn của người yêu đích thực - chàng hoàng tử đẹp trai. Các nhà khoa học có một cách lý giải đơn giản cho giấc ngủ dài, tạm thời của Bạch Tuyết: vi khuẩn Listeria monocytogenesis.

Nàng Bạch Tuyết tỉnh dậy sau giấc ngủ dài nhờ nụ hôn của hoàng tử đẹp trai.
Nàng Bạch Tuyết tỉnh dậy sau giấc ngủ dài nhờ nụ hôn của hoàng tử đẹp trai.

Đây là một loại vi khuẩn hình que, trú ngụ trong nhiều loại thực phẩm, kể cả táo. “Nó gây ra bệnh viêm màng não và thường là hội đủ khả năng gây rối loạn, choáng sốc để dẫn tới tình trạng hôn mê ở người", tiến sĩ George Thompson, phó giáo sư chuyên ngành dược thuộc Đại học California (Mỹ) cho biết.

Dẫu vậy, khác với chuyện cổ tích, ngoài đời thực, chúng ta không chỉ cần nụ hôn để làm thức tỉnh người bị hôn mê do viêm màng não, trừ phi nụ hôn đó, bằng cách nào đó, thấm đẫm một liều kháng sinh nặng.

Tuy nhiên, nụ hôn của tình yêu chân thật cũng có thể tạo nên phép màu. Năm 2009, một phụ nữ ở Anh bị rơi vào trạng thái hôn mê sau một cơn đau tim. Cô chỉ cựa quậy 2 tuần sau đó khi người chồng đau khổ cầu xin vợ một nụ hôn. Và người vợ dường như đáp từ bằng cách quay đầu lại và chu môi sẵn sàng hôn, theo tờ Daily Mail.

Người gỗ, người cây

Cậu bé người gỗ Pinocchio.
Cậu bé người gỗ Pinocchio.

Trong cuốn tiểu thuyết nhan đề “Các cuộc phiêu lưu của Pinocchio” năm 1883 của tác giả Carlo Collodi, nhân vật chính Pinocchio là một chú bé búp bê bằng gỗ do người thợ làm đồ chơi có tên Geppetto ở một ngôi làng nhỏ của Italia tạo ra. Pinocchio được yêu quí vô cùng cho đến một ngày, cô tiên xuất hiện và ban phép màu cho chú bé được trở thành người.

Tuy nhiên, trong loạt phim cổ tích nhan đề “Ngày xửa ngày xưa” của kênh ABC, chúng ta lại thấy cốt truyện được xây dựng theo hướng ngược lại: nhân vật Pinocchio, lúc này đã là một người đàn ông trưởng thành trong một thế giới thực không phép thuật, bắt đầu biến trở lại thành gỗ. Tình tiết này, tất nhiên, là vô nghĩa trừ khi Pinocchio bị mắc chứng epidermodysplasia verruciformis - một rối loạn da liễu hiếm gặp, đặc trưng bằng nguy cơ cao bị ung thư biểu bì. Sự miễn dịch yếu kém có thể khiến người bệnh rất dễ bị nhiễm các dạng virut gây u nhú ở người (Human Papilloma Virus - HPV), kể cả những dạng gây mụn hoặc bướu cứng, sần như vỏ cây.

“Người cây” Dede Koswara ở Indonesia.
“Người cây” Dede Koswara ở Indonesia.

Cách đây vài năm, Dede Koswara, người Indonesia, đã khiến thế giới sửng sốt với những phần phát triển như vỏ cây lan rộng trên tay và chân của anh. Các bác sĩ nhận định, tình trạng của Koswara do sự kết hợp của cả chứng epidermodysplasia verruciformis và virus HPV-2 gây ra. Virus đã xâm chiếm các tế bào da của nạn nhân, khiến chúng sản sinh ra lượng keratin - loại protein xơ thiết yếu cho tóc, móng và sừng của động vật. Do hệ miễn dịch của Koswara bị suy yếu nên các mụn keratin phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát, tạo thành các mảng dày đặc, xù xì. Vẻ ngoài dị thường đó khiến người ta đặt biệt danh cho anh là “người cây”.

Quái vật và người sói

Người đẹp và Quái vật
Người đẹp và Quái vật

Thế giới cổ tích đầy rẫy các ví dụ về những sinh vật giống như người sói, ví dụ như nhân vật Quái vật trong chuyện “Người đẹp và Quái vật” hay chó sói trong chuyện cổ tích “Cô bé quàng khăn đỏ”. Tuy nhiên, những người sói đáng sợ này có thể chỉ là nạn nhân bất hạnh của một căn bệnh nan y.

Hypertrichosis hay gọi nôm na là “hội chứng người sói” đặc trưng bằng sự xuất hiện quá mức của lông trên toàn bộ hoặc chỉ một số vùng nhất định trên cơ thể. Đôi khi một người sinh ra đã đầy lông lá vì đột biến gene hiếm gặp. Trong khi đó, số khác có thể mắc “hội chứng người sói” khi lớn lên do tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc hóa chất nhất định hay thậm chí cả các bệnh ung thư.

Cậu bé Pruthviraj Patil, 11 tuổi, người Ấn Độ bị mắc “hội chứng người sói”.
Cậu bé Pruthviraj Patil, 11 tuổi, người Ấn Độ bị mắc “hội chứng người sói”.

Trường hợp mắc “hội chứng người sói” đầu tiên được ghi nhận trên thế giới thuộc về gia đình Gonzales ở quần đảo Canary vào những năm 1600. Căn bệnh lạ xuất hiện ở cả ông Petrus Gonzales, 2 con gái, cậu con trai và cháu trai của ông. Đến thế kỷ 19, những người mắc chứng Hypertrichosis như Jo-Jo “cậu bé mặt chó”, Lionel “người đàn ông mặt sư tử" “quý bà râu ria” đều trở thành ngôi sao trong các chương trình biểu diễn của gánh xiếc do sức thu hút sự tò mò của mọi người.

Theo Vietnamnet
  • 3,76
  • 8.268