Bệnh dị ứng tăng vì biến đổi khí hậu

  •  
  • 631

Lượng phấn hoa của thực vật tăng lên trong mấy thập kỷ qua do hiệu ứng nhà kính, khiến số người bị dị ứng phấn tăng lên.

Ảnh: ajc.com.

Tiến sĩ Renato Ariano, giám đốc dịch vụ chống dị ứng của bệnh viện Bordighera, Italy cho biết, khi nhiệt độ tăng, thời gian tạo phấn của nhiều loài thực vật cũng dài hơn. Bên cạnh đó lượng phấn hoa mà cây cối sản xuất cũng tăng. Lượng phấn hoa và thời gian phơi nhiễm với phấn đều tăng khiến số lượng người bị dị ứng phấn cũng tăng.

Healthday cho biết, trong gần 30 năm qua các chuyên gia của bệnh viện Bordighera đã theo dõi tình hình sản xuất phấn hoa ở thực vật và số lượng người bị dị ứng với phấn của 5 loài cây: bách, ô liu, bulô, cỏ và cây gai tường. Đây là những loài cây mà phấn của chúng gây dị ứng nhiều nhất ở vùng Bordighera, Italy.

Trong khoảng thời gian từ năm 1981 tới 2007, nhóm nghiên cứu nhận thấy mùa tạo phấn của thực vật bắt đầu sớm hơn trước kia. Riêng đối với cây gai tường và ôliu thì vào cuối giai đoạn nghiên cứu mùa tạo phấn của chúng bắt đầu sớm hơn lần lượt là 80 ngày và 30 ngày so với giai đoạn đầu.

Cũng trong gần 30 năm đó, các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra mức độ nhạy cảm đối với phấn của 5 loài cây nói trên.

“Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ người dị ứng với phấn của cây ôliu, gai tường và bách tăng liên tục, nhưng tỷ lệ người dị ứng với bụi vẫn không đổi trong suốt 27 năm”, Giovanni Passalacqua, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.

Giáo sư Estelle Levetin, trưởng khoa Sinh học của Đại học Tulsa tại Mỹ nhận xét rằng kết quả nghiên cứu của nhóm Passalacqua chứng minh rằng các mùa tạo phấn của thực vật có thể kéo dài và lượng phấn có thể tăng lên do hiệu ứng nhà kính. Theo Levetin, lượng khí thải CO2 tăng khiến cây sinh trưởng nhanh hơn, nhờ đó tạo ra nhiều phấn hơn.

Vị giáo sư cho rằng những người bị dị ứng phấn hoa nên bắt đầu dùng thuốc hoặc áp dụng những biện pháp điều trị sớm hơn so với trước kia, đồng thời duy trì nỗ lực điều trị trong thời gian dài hơn.

Theo VnExpress
  • 631