Bệnh động kinh

  •  
  • 730

Động kinh (ĐK) là một bệnh thần kinh - tâm thần rất phổ biến. Theo nhiều tác giả trong và ngoài nước, tỷ lệ bệnh này chiếm khoảng 0,5-0,8% dân số. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ĐK là một bệnh mạn tính, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, đặc trưng là sự lặp đi lặp lại của các cơn do sự phóng điện quá mức của các tế bào thần kinh não bộ, mặc dù triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng có thể khác nhau.

Phân loại ĐK

Lấy máu làm xét nghiệm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội
Lấy máu làm xét nghiệm cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội (Ảnh: TTO)
- ĐK cục bộ: ĐK cục bộ đơn giản, ĐK cục bộ phức tạp và ĐK cục bộ toàn thể hóa thứ phát.

- ĐK toàn thể tiên phát: cơn lớn, cơn tăng trương lực, cơn vắng ý thức, cơn vắng ý thức không điển hình, cơn giật cơ, cơn mất trương lực cơ và cơn co thắt ở trẻ em.

- Trạng thái ĐK liên tục: ĐK cơn lớn liên tục, ĐK cơn vắng ý thức liên tục và ĐK cục bộ liên tục.

- Các kiểu tái đi tái lại: thỉnh thoảng, có chu kỳ ĐK, phản xạ (ĐK giật cơ do ánh sáng, ĐK cơ thể - giác quan, ĐK do âm nhạc, ĐK do đọc).

Các triệu chứng lâm sàng

- ĐK cục bộ: bắt đầu do sự hoạt hóa của tế bào thần kinh ở trong một vùng khu trú của vỏ não. Các triệu chứng lâm sàng tùy thuộc vào vùng vỏ não có liên quan. Tổn thương có thể do chấn thương lúc sinh hoặc sau khi sinh, do u não, áp xe não, nhũn não, dị dạng mạch máu não, các bất thường về cấu trúc não.

Các cơn ĐK cục bộ được chia thành: ĐK cục bộ đơn giản (không có rối loạn ý thức và còn nhận biết được môi trường xung quanh) và ĐK cục bộ phức tạp (có rối loạn ý thức và rối loạn khả năng nhận biết môi trường xung quanh).

- ĐK toàn thể tiên phát: bao gồm ĐK cơn lớn, cơn vắng ý thức, cơn vắng ý thức không điển hình, cơn nhỏ giật cơ, cơn mất trương lực cơ, cơn co thắt ở trẻ em. Bài viết này tác giả chỉ đề cập đến thể thường gặp nhất. Đó là ĐK cơn lớn.

- ĐK cơn lớn: thường gặp và được biết nhiều nhất. Cơn xảy ra đột ngột, người bệnh mất ý thức trong một thời gian ngắn, xuất hiện co cứng, co giật và sau đó là trạng thái hôn mê. Trước khi lên cơn từ vài giờ đến vài ngày, người bệnh có thể có những dấu hiệu báo trước như: đau đầu, ù tai, mất ngủ, ăn không ngon, chóng mặt, thay đổi tính tình, trở nên cáu gắt với người thân.

Những dấu hiệu báo trước và cơn thoáng có thể không xảy ra và ĐK cơn lớn xuất hiện đột ngột. Người bệnh mất ý thức, các cơn co cứng, bất thình lình ngã vật xuống, đôi khi kèm theo một tiếng kêu rên rít do sự co thắt các cơ vùng thanh quản. Do ngã vật mạnh nên người bệnh có thể bị chấn thương, bỏng...

Lúc ngã xuống, các cơ vẫn tiếp tục ở giai đoạn co cứng, chân tay người bệnh duỗi thẳng, cứng đờ hơi đưa lên một chút, hai hàm răng xiết chặt, lưỡi bị cắn chảy máu. Sự hô hấp như bị ngưng lại, mặt người bệnh tái nhợt rất nhanh rồi tím bầm lại. Mạch nhanh, huyết áp tăng nhẹ, đồng tử lúc ban đầu thì co sau giãn ra và mất phản xạ với ánh sáng. Giai đoạn co cứng kéo dài từ 30 giây đến 1 phút.

Sau giai đoạn co cứng thì tiếp đến giai đoạn co giật: các cơ vân co và duỗi rất nhanh. Do co giật các cơ lồng ngực nên có tiếng nấc và miệng người bệnh trào nước bọt, đôi khi có màu hồng do lưỡi bị cắn phải. Nhịp độ co giật giảm dần rồi mất hẳn. Thời gian co giật kéo dài từ 2-5 phút. Hôn mê: sau giai đoạn co giật người bệnh đi vào trạng thái hôn mê, có thể thấy xuất hiện các phản xạ bệnh lý, mất phản xạ ánh sáng và đồng tử, xuất huyết ở dưới da và mắt.

Sau cơn, người bệnh tỉnh dần, ban đầu có rối loạn về năng lực định hướng với môi trường xung quanh và không nhớ những gì đã xảy ra, nói năng lộn xộn, tâm thần chưa ổn định. Có khi người bệnh không tỉnh mà chuyển sang một giấc ngủ say, lúc thức dậy thấy nhức đầu, mệt mỏi, đau ê ẩm toàn thân. Có trường hợp sau ĐK cơn lớn do còn bị rối loạn ý thức, người bệnh có những hành vi bất ngờ.

ĐK thường xuất hiện sau khi ăn no, uống nhiều nước, uống rượu, sau khi quá lo sợ, mệt nhọc, căng thẳng, mất ngủ. ĐK cũng hay xuất hiện lúc trời nóng nực, lúc người bệnh có kinh nguyệt.

Các trạng thái động kinh liên tục

Trạng thái này rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh vì có hiện tượng phù não, phù phổi cấp, rối loạn tuần hoàn và hô hấp. Người bệnh mê mệt, mạch nhanh, nhiệt độ cao, huyết áp hạ, nhịp thở dồn dập, không đều, có trạng thái mất nước và rối loạn các chất điện giải. Mạch càng nhanh, nhiệt độ càng cao, phản ứng của người bệnh giữa các cơn càng kém thì bệnh càng nặng.

ĐK cơn lớn liên tục cần được cấp cứu ngay. Tiên lượng thường tương đối tốt nếu ĐK cơn lớn liên tục xảy ra do người bệnh ngưng thuốc kháng ĐK đột ngột. Tiên lượng thường xấu nếu do chấn thương sọ não nặng, u não hoặc viêm màng não. Tỷ lệ tử vong của ĐK cơn lớn liên tục khoảng 20%.

Nguyên nhân động kinh

Mọi cơn ĐK đều là kết quả của sự kết hợp các yếu tố di truyền và yếu tố mắc phải. Tùy từng trường hợp, một trong hai yếu tố sẽ chiếm ưu thế.

Yếu tố mắc phải: yếu tố trước sinh và chu sinh, các yếu tố này cực kỳ phong phú. Vai trò các yếu tố chu sinh và hậu sản đã giảm hơn nhiều so với vai trò yếu tố trước sinh, do các tiến bộ sản khoa và cận sản khoa.

Các bệnh nhiễm khuẩn của hệ thần kinh trung ương có thể gây ra các cơn hoặc một ĐK về sau này ở bất kỳ lứa tuổi nào trong cuộc đời.

Chấn thương sọ: từ thời kỳ văn minh cổ đại, người ta đã biết một chấn thương sọ do tổn thương não có thể phát triển về sau thành cơn ĐK.

U não: hiếm gặp trẻ em và thiếu niên, ĐK do u chiếm từ 10 đến 15% các ĐK người lớn và người già.

Các bệnh mạch máu não: các sẹo gây ĐK ở vỏ não, di chứng tai biến mạch máu não là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của ĐK ở người già.

Các yếu tố nhiễm độc thuốc và chuyển hóa: Phần lớn các yếu tố này hay gây ra các cơn riêng rẽ, gắn với một bệnh cảnh gây ĐK tạm thời.

Điều trị

Bệnh ĐK cần được điều trị càng sớm càng tốt nhằm kiểm soát hoàn toàn cơn, tránh các ảnh hưởng xấu như giảm sút trí tuệ và biến đổi nhân cách cũng như ngăn ngừa trạng thái Đk liên tục. Ngày nay việc điều trị toàn diện bằng các phương tiện thuốc men, phẫu thuật, chế độ ăn uống, sinh hoạt, phục hồi chức năng... đã đem lại nhiều kết quả tốt.

Điều trị bằng thuốc: Là hình thức thông dụng và đơn giản nhất. Gần đây, phương pháp điều trị này đã có nhiều chuyển biến quan trọng do sự phân tích sâu hơn về mặt lâm sàng và cận lâm sàng giúp cho việc phân loại ĐK thành nhiều thể khác nhau có khả năng đáp ứng tốt với từng loại thuốc nhất định.

Những tiến bộ trong lĩnh vực dược động lực của các loại thuốc kháng ĐK cho phép sử dụng hợp lý và an toàn hơn các thuốc này. Việc đo lường được nồng độ thuốc trong huyết thanh, sự hiểu được tác động qua lại giữa các thuốc kháng ĐK, ảnh hưởng giữa chúng và các loại thuốc khác giúp cho thầy thuốc có thể theo dõi, đánh giá cũng như tránh được các tai biến trong điều trị. Nguyên tắc là sử dụng đơn trị liệu (một thuốc) trước với liều nhỏ tăng dần, nếu không có kết quả mới thay thuốc hoặc kết hợp thuốc.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
  • 730