Máy vi tính đã chiến thắng, mà vũ khí của chúng lại chính là... xúc cảm con người. Đây là kết luận của các nhà tâm lý học Mỹ qua một cuộc thăm dò dư luận xã hội.
Hơn 65% người được hỏi cho biết đã dành cho máy tính nhiều thời gian hơn cho vợ/chồng; 52% nói có tình cảm thật sự với chiếc máy tính của mình. Các chuyên gia cho rằng tình trạng “nhân tính hóa” máy tính đang là mối đe dọa thật sự cho mối giao tiếp giữa con người với nhau cũng như của xã hội hiện đại nói chung.
|
Người thành thị ở châu Á bắt đầu rời xa gia đình vì những trò chơi trên mạng - Ảnh: Reuters |
Thật ra, lời báo động đã được các nhà khoa học Đại học Stanford đưa ra ba năm trước nhưng chưa ai quan tâm, vì khi đó chỉ 6% số người sử dụng máy tính than phiền công cụ làm việc quen thuộc này làm quan hệ bạn bè hoặc gia đình bị ảnh hưởng. Nhưng nay con số này đã tăng gấp 10 lần, khiến một số nhà tâm lý học bắt đầu xem máy tính như một “hiểm họa toàn cầu”. Bằng chứng là con người bắt đầu cảm thấy tức tối, sầu thảm hay nguội lạnh nếu máy tính làm việc kém hay bị hỏng hóc. Có đến 74% người Mỹ thú nhận từng than phiền về chiếc máy tính của mình với người thân hay bạn bè, tức muốn tìm sự đồng cảm và thông hiểu cho nỗi “bất hạnh” của mình.
Chuyên gia Alexei Andreev của Webplanet nhìn nhận con người hiện đại bị lệ thuộc (về cảm xúc) với đồ vật và phương tiện truyền thông nhiều hơn thế hệ đi trước. “Chúng ta về mặt tâm lý bị trói buộc với công ty mình làm việc, với Internet mà ta dành cho nó nhiều thời gian, với tivi mà ta xem không ngơi nghỉ”. Dần dần, con người trở thành một chiếc đinh vít của cộng đồng Internet hay công ty.
Mất đi cá tính do vướng vào “mối tình” với chiếc máy tính của mình, con người sẽ không còn độc lập, giao tiếp với con cái và gia đình ngày càng ít đi. Con người ngày càng ít cảm nhận được sự gần gũi của người thân, cộng đồng, nên càng chọn cách giải khuây tốt nhất là... tìm đến chiếc máy tính.
NG.THANH