Bí ẩn mê cung cổ đại với những hộp đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn vuông hình sắc cạnh

  •   2,52
  • 4.951

Bằng cách nào người Ai Cập cổ đại có thể tạo ra những chiếc hộp bằng đá nặng cả trăm tấn với góc vuông chuẩn xác 90 độ, sai số kích thước chỉ một phần nghìn inch từ hàng ngàn năm trước?

Đền Serapeum Saqqara tọa lạc tại phía tây bắc của Kim tự tháp Djoser ở khu vực khảo cổ Saqqara. Theo các nhà khảo cổ, đó là nơi chôn cất những con bò Apis, hiện thân của Thần Ptah – thần sáng tạo và quyền lực của Ai Cập. Khu nghĩa địa Saqqara nằm gần Memphis, Ai Cập được cho là do Ramesses II (pharaoh thứ ba của Vương triều thứ 19 trong lịch sử Ai Cập) xây dựng vào khoảng năm 1300 trước Công nguyên.

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1850, Serapeum Saqqara đã khiến các nhà khảo cổ và nhà nghiên cứu bối rối, các đường hầm được khai quật kể từ đó cũng trở thành đề tài tranh luận của bao người.

Các hộp đá có góc vuông chuẩn xác 90 độ.
Các hộp đá có góc vuông chuẩn xác 90 độ.

Mê cung cổ đại uy nghi này là nơi quy tụ 25 hộp đá khổng lồ, nặng từ 70-100 tấn. Người Ai Cập cổ đại, tác giả xây dựng nên những "chiếc hộp" khó tin này sở hữu trí óc tuyệt vời và kiến thức đáng kinh ngạc trong các lĩnh vực như hình học hay toán học.

Phần nắp đậy của những chiếc hộp này nặng tới 30 tấn và được làm từ cùng một khối đá. Sau khi tìm thấy chúng, người ta mở một số hộp với sự trợ giúp của thuốc súng nhưng phát hiện chúng hoàn toàn trống rỗng. Điều này khiến các nhà nghiên cứu không tài nào lý giải nổi mục đích lắp ráp những chiếc hộp khổng lồ.

Câu hỏi đặt ra là sự tồn tại của những chiếc hộp này có phải do người Ai Cập cổ đại muốn làm lăng mộ tưởng niệm những con bò Apis hay không, và nếu vậy, tại sao không tìm thấy chút hài cốt nào? Bò Apis là những sinh vật cực kỳ linh thiêng đối với người Ai Cập cổ đại và là một trong những tín ngưỡng thiêng liêng đầu tiên trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Các nhà sử học tin rằng bò Apis vừa là một vị thần, vừa là hiện thân của các pharaoh Ai Cập.

Mục đích và cách thức tạo nên những hộp đá khổng lồ này khiến các nhà nghiên cứu đau đầu lý giải.
Mục đích và cách thức tạo nên những hộp đá khổng lồ này khiến các nhà nghiên cứu đau đầu lý giải.

Điều thú vị là hầu hết các hộp này đều được làm bằng đá granit hồng - một loại đá cực kỳ cứng được khai thác tại mỏ đá nằm cách Saqqara khoảng 800km, trong khi số còn lại được làm từ diorite - một vật liệu thậm chí còn cứng hơn và được tìm thấy ở một nơi xa xôi hơn.

Độ chính xác về kích thước của các hộp cũng là yếu tố khiến các nhà nghiên cứu hay bất kỳ ai đến thăm nơi này choáng ngợp khi sai lệch chỉ xấp xỉ một phần nghìn inch. Thời điểm xây dựng những chiếc hộp này là từ hàng ngàn năm trước, nhưng những câu hỏi vẫn còn làm đau đầu các nhà nghiên cứu tới tận ngày nay: Bằng cách nào người Ai Cập cổ đại có thể làm được điều này? Chúng ta đang bỏ lỡ mất điều gì ở đây?

Hầu hết các hộp được làm bằng đá granit hồng
Hầu hết các hộp được làm bằng đá granit hồng - một loại đá cực kỳ cứng được khai thác tại mỏ đá xa xôi.

Người Ai Cập cổ đại có kiến thức về toán học ứng dụng và hình học hàng trăm năm trước khi Serapeum Saqqara được xây dựng. Trí thông minh và khả năng của họ là điều không phải bàn cãi ở đây.

Chúng ta đều biết rằng sách vở về hình học được biết đến sớm nhất được viết trên giấy cói Rhind và giấy cói Moscow. Hàng trăm năm sau những văn bản cổ xưa này, người Ai Cập cổ đại có thể tạo ra những công trình cực kỳ chính xác với các góc vuông chuẩn xác 90 độ.

Câu hỏi duy nhất còn lại là bằng cách nào? Và từ đâu mà người Ai Cập cổ đại có được kiến thức này? Các công cụ được sử dụng trong các công trình này hiện ở đâu? Tại sao những chiếc hộp khổng lồ này lại trống rỗng?

Có lẽ nào kiến thức và công nghệ xây dựng chúng thực sự bắt nguồn từ các ngôi sao như nhiều nhà lý thuyết phi hành gia cổ đại đề xuất? Hay chúng ta đang bỏ qua thứ gì đó trong lịch sử? Phải chăng một khoảnh khắc cực kỳ quan trọng trong lịch sử cổ đại đã bị các học giả chính thống bỏ qua, một khoảnh khắc có thể giải thích kiến thức và khả năng kỳ diệu của các nền văn minh cổ đại như Ai Cập?

Cập nhật: 18/05/2020 Theo PNVN
  • 2,52
  • 4.951