Bí ẩn ngôi sao K – nơi NASA tin có sự sống

  •   3,33
  • 3.626

Những ngôi sao K, loại sao mờ hơn Mặt trời một chút vừa được NASA ưu ái gọi là ngôi sao Goldilocks, tức ngôi sao mang vùng sự sống.

Bà Giada Arney, nhà khoa học đến từ Trung tâm Hàng không Không gian Goddard thuộc NASA, vừa tiết lộ các ngôi sao K sẽ là mục tiêu mà NASA hướng đến trong hành trình tìm kiếm sự sống trong tương lai.

Các nhà khoa học tin rằng các ngôi sao K cũng sở hữu vùng sự sống Goldilocks, tức một khu vực tương tự như khu vực trái đất đang trú ngụ trong Hệ Mặt trời.

Ảnh đồ họa của NASA mô tả một ngoại hành tinh có thể mang sự sống
Ảnh đồ họa của NASA mô tả một ngoại hành tinh có thể mang sự sống, nằm trong vùng Goldilocks của sao K mẹ thấp thoáng ánh vàng cam phía xa - (ảnh: NASA).

Thuật ngữ "ngôi sao K" dựa theo phân loại quang phổ Morgan-Keenan, trong đó phân các ngôi sao thành 7 loại dựa theo nhiệt độ: O, B, A, F, G, K, M. Mặt trời của chúng ta là một sao G, nhóm sao lạnh thứ 3 trong vũ trụ. Sao K lạnh hơn mặt trời, kém sáng hơn một chút nhưng lại nóng và sáng hơn các ngôi sao M – thường được biết đến như các sao lùn đỏ.

Các ngôi sao K thường có màu cam, nếu nhìn từ Trái đất ta sẽ thấy nó có màu sắc biểu kiến là màu vàng cam.

Trước đây, người ta tin rằng sao loại mờ và lạnh nhất, tức các ngôi sao M có lợi thế hơn trong việc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh. Một ví dụ hùng hồn là TRAPPIST-1, ngôi sao mẹ của 7 hành tinh kích cỡ Trái đất và có thể có nước.

Tuy nhiên, giai đoạn tuổi trẻ đầy biến động của các ngôi sao M lại có thể gây trắc trở cho các dạng sự sống tiềm năng. Chúng cũng sáng hơn nhiều khi còn nhỏ tuổi, đủ sức khiến các hành tinh sở hữu đại dương xung quanh thành hành tinh chết vì nước bốc hơi hết.

Trong khi đó, các sao G như mặt trời thì lại là rào cản lớn trong việc quan sát các hành tinh xung quanh nó. Mặt trời sáng hơn 10 tỉ lần so với các hành tinh trong vùng sự sống của nó, ví dụ như trái đất. Vì vậy, các ngôi sao G sẽ lấn át các hành tinh tiềm năng xung quanh trong ống kính thiên văn.

Còn các ngôi sao K, theo bà Arney, là một "điểm ngọt ngào" giữa các sao mờ M và các bản sao mặt trời. Chúng mang lại lợi thế về xác suất phát hiện oxy-metan thông qua các phương tiện quan sát thiên văn hiện tại. Cuộc đời chúng bình yên hơn sao M, đủ để các hành tinh có cơ hội nuôi dưỡng các đại dương và sự sống. Sao K lại có tuổi thọ vô cùng cao: 17-70 tỉ năm, trong khi mặt trời của chúng ta chỉ sống được 10 tỉ năm!

Bà Arney cho biết hệ hành tinh của một số ngôi sao K gần chúng ta như Cyg A / B, Epsilon Indi, Groombridge 1618 và HD 156026 có thể là những mục tiêu đặc biệt tốt cho công cuộc tìm kiếm dấu hiệu sinh học ngoài hành tinh trong tương lai.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrophysical Journal Letters.

Cập nhật: 14/03/2019 Theo NLĐ
  • 3,33
  • 3.626