Bí ẩn trong bức họa triệu đô của Da Vinci: Lỗi vô tình hay sự tinh tế thiên tài?

  •   53
  • 6.099

Một lần nữa chúng ta lại phải kinh ngạc trước những gì mà "thiên tài toàn năng nước Ý" Leonardo da Vinci truyền tải trong tác phẩm của mình.

Những tác phẩm của thiên tài Leonardo da Vinci dù là tác phẩm hoàn chỉnh hay chỉ là các bản phác thảo nguệch ngoạc cũng đều là tuyệt tác nghệ thuật và có giá trị rất cao. Điều đáng buồn là có tới 4/5 trong tổng số những bức vẽ của ông đã bị thất lạc.

Bức vẽ mắc lỗi vô tình hay ý đồ thâm sâu của Da Vinci?

Dù số lượng tác phẩm khổng lồ như vậy chưa được tìm thấy nhưng điều kỳ lạ là số lượng tranh của ông được phát hiện lại cực kỳ hiếm, đó là lý do bức họa Salvator Mundi được tìm thấy gần đây nhất (trong vòng 100 năm) được xem là "Chén Thánh" của phát hiện nghệ thuật.

Bức tranh Salvator Mundi
Salvator Mundi là bức tranh vẽ chúa Jesus đang giơ tay phải ban phước còn tay trái cầm một quả cầu pha lê. (Ảnh Goldennumber.net).

Đó chính là những gì mà Alex Rotter - đồng chủ tịch Nghệ thuật đương đại và hậu chiến tranh tại Christie’s phải thốt lên để nói về ý nghĩa mà phát hiện này có được, đó là sự khám phá nghệ thuật vĩ đại nhất thế kỷ 21.

Chúng ta đều biết Da Vinci là người rất thích đưa ra các câu đố cho hậu thế ẩn bên trong các bức họa của mình một cách đầy tinh tế, nếu bức họa Mona Lisa đã tốn không ít giấy mực công sức của giới chuyên môn thì bức Salvator Mundi được xem là "phiên bản nam giới" của Mona Lisa!

Những câu đố xung quanh bức họa vẫn là bí ẩn khiến các nhà khoa học đau đầu lý giải mà điểm nhấn quan trọng nhất chính là quả cầu mundus. Nó được cho là "sự bất thường khó hiểu" của bức họa.

Ghi chú: Mundus: tiếng La-tin cổ, có nghĩa là "thế giới".

Bí ẩn quả cầu trong suốt của bức họa Salvator Mundi

Leonardo da Vinci vốn được biết đến không chỉ là bậc thầy hội họa mà còn là thiên tài toàn năng về cả khoa học, là người kết nối khoa học trong các tác phẩm nghệ thuật của mình, ấy vậy mà quả cầu trong bức họa trên lại... thiếu chính xác về mặt quang học!

Liệu đây là sai sót hay ẩn ý, câu đố trong bức họa này, các nhà chuyên môn lại phải đau đầu giải mã bí ẩn thế kỷ 21 này!

Nhà nghiên cứu Walter Isaacson tin rằng Da Vinci không thể mắc một lỗi sơ đẳng như vậy, ông cho biết quả cầu được vẽ với độ chính xác khoa học tuyệt đẹp, duy chỉ có phần ánh sáng phản quang bên trong nó lại là sự thất bại.

Ông cho rằng quả cầu này giống 1 quả bóng trong suốt hơn vì nó không có khả năng khúc xạ, phản xạ ánh sáng khiến hình ảnh bị méo mó hay phóng to, đảo ngược!

Phần áo hay tay phía sau không hề bị biến dạng, đây là điểm bất thường... phản khoa học
Phần áo hay tay phía sau không hề bị biến dạng, đây là điểm bất thường... phản khoa học! Ảnh phóng to.

Điều đặc biệt nữa là thời điểm được cho là vẽ bức họa (cũng tại nơi mà ông đã vẽ bức Mona Lisa), danh họa đang đào sâu nghiên cứu về... quang học và phản xạ, khúc xạ một cách đầy ám ảnh!

Nghiên cứu quang học trong sổ tay của danh họa.
Nghiên cứu quang học trong sổ tay của danh họa. (Ảnh Repeating Decimal).

Nhà sử học mỹ thuật Andrew Martin Kemp – học giả của Oxford và chuyên gia hàng đầu về thời Phục hưng cũng chỉ ra một số điểm bất thường của quả cầu mundus mà Da Vinci vẽ:

  • Đầu tiên các quả cầu mundus khác thường đặc ruột hay làm bằng đồng chứ không phải thủy tinh hay pha lê.
  • Các quả cầu mundus thường có phong cảnh phản chiếu bên trong, trái với các lỗ sáng lấp lánh trông như bong bóng, nhưng lại không tròn mà Da Vinci vẽ. Chính các lỗ sáng này khiến ông tin rằng Da Vinci đang vẽ một khối cầu pha lê!

Nhưng tại sao lại vẽ khối cầu pha lê thay vì đồng như thông thường và liệu có phải quả cầu này có vấn đề về quang học?

Kemp cho rằng một chuyên gia về quang học như Da Vinci khó lòng có thể vẽ "mắc lỗi" như vậy, ông cho rằng có thể Leonardo đang mô tả sự khúc xạ kép thường bắt gặp ở các khối cầu làm từ khoáng chất can-xít.

Và nếu giả thuyết này đúng thì bức họa hoàn toàn đậm chất Da Vinci, tinh tế và sành sỏi đến mức không một thợ chép tranh nào có thể hiểu được ý đồ của danh họa ngoài việc vẽ theo một cách máy móc.

Lịch sử bức họa Salvator Mundi

Bức họa Salvator Mundi được phát hiện vào năm 2011 tại Phòng Triển Lãm Quốc Gia London, Anh. Ban đầu được cho là tác phẩm của học trò Da Vinci, sau nhiều nghiên cứu bức họa này được khẳng định là tác phẩm cuối cùng của Da Vinci.

Sau 6 năm nghiên cứu, giá trị của nó đã tăng vọt khi được xác định là của chính Da Vinci. Giới nghệ thuật chấn động và truyền thông lại dậy sóng trước khám phá vĩ đại này. Giá bán dự tính sắp tới của bức họa này có thể lên tới 130 triệu USD (gần 3.000 tỷ đồng)!

Cập nhật: 23/10/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 53
  • 6.099