Bí ẩn về khả năng xác định kinh độ và vĩ độ của chim di cư

  •  
  • 1.605

Theo thông tin đăng tải trực tuyến trên tờ Current Biology - một ấn phẩm của Cell Press, loài chim đầu nhọn Á Âu bị bắt trong đợt di cư mùa xuân rồi được thả sau khi đã bay được 1.000 km về phía đông vẫn có thể đi đúng lộ trình cũ và hướng tới điểm đến ban đầu.

Bằng chứng mới đây cho thấy những chú chim này có khả năng định hướng, chúng có thể nhận diện ít nhất là hai toạ độ tương ứng với kinh độ và vĩ độ địa lý. Phát hiện đã đặt ra một thử thách mới cho một số người luôn nghĩ rằng loài chim bị hạn chế khả năng định hướng bắc-nam. Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa biết được bằng cách nào mà chúng làm được điều đó.

Nikita Chernetsov thuộc Cơ quan sinh học Rybachy tại Viện động vật học (Nga) cho biết: “Qua thực nghiệm chúng tôi đã chứng tỏ các loài chim di cư liên lục địa có thể điều chỉnh hướng di cư đông-tây trong quá trình trở về vào mùa xuân. Điều đó có nghĩa là chúng có thể xác định được kinh độ địa lý mặc dù chúng tôi hiện vẫn chưa biết được chúng thực hiện điều đó như thế nào”.

Chim đầu nhọn. Những chú chim đầu nhọn bị bắt trong đợt di cư mùa xuân rồi được thả sau khi đã bay được 1.000 km về phía đông vẫn có thể đi đúng lộ trình cũ và hướng tới điểm đến ban đầu. (Ảnh: iStockphoto / Iurii Konoval)

Chernetsov giải thích, vĩ độ định vị vị trí bắc hoặc nam có thể xác định được dễ dàng nhờ vị trí của mặt trời vào giữa trưa hoặc thông qua địa từ trái đất. Các nghiên cứu thực nghiệm do một số nhà khoa học khác tiến hành đã mạnh mẽ đưa ra ý kiến cho rằng các loài chim di cư đã sử dụng từ tính trái đất với mục đích này, mặc dù các cơ sở định vị khác cũng có thể đóng vai trò quan trọng.

Xác định kinh độ đòi hỏi phải khéo léo hơn. Có thể những chú chim di cư dựa vào chu kì xoay của bầu trời sao mà luận ra kinh độ của mình. Nhưng theo Chernetsov, các số liệu thực nghiệm lại không ủng hộ quan điểm nói trên. Chim di cư có thể sử dụng cảm giác thời gian đôi nhờ vào hai đồng hồ sinh học bên trong cơ thể chúng: một cái theo giờ “quê nhà” còn một cái theo giờ nơi tránh rét. Có thể chúng cũng dựa vào từ tính trái đất, nhưng một số vùng trên thế giới lại có trùng kinh độ.

Các nhà nghiên cứu đã viết: “Do đó, kiến thức của chúng tôi về phương thức định vị không gian - thời gian của những loài chim di cư vào mùa xuân rất rải rác và mang tính suy luận đôi chút. Liệu những chú chim trên đường trở về vào mùa xuân có thể định vị chính xác một nơi cụ thể cần đến hay không?”

Câu trả lời đối với những chú chim đầu nhọn là có. Sau khi các nhà khoa học thả những chú chim này cách xa hướng đông hàng kilomet, chúng vẫn có thể điều chỉnh lại sự chuyển chỗ này bằng cách thay đổi hướng từ đông bắc (tại nơi bị bắt) sang tây bắc. Hướng mới sẽ đưa chúng đến nơi sinh sản đã định.

Các nhà nghiên cứu kết luận: “Kết quả của chúng tôi cho thấy loài chim đầu nhọn Á Âu có thể xác định kinh độ và định hướng dựa trên hai toạ độ. Đây là một phát hiện đáng ngạc nhiên. Nó cũng mang đến một thử thách hóc búa cho những người nghiên cứu chim di cư, cụ thể là cơ sở nào khiến loài chim xác định được vị trí đông - tây của chúng?”

Trà Mi (Theo Physorg)
  • 1.605