Bí ẩn về vụ hủy diệt thành cổ Pompeii

  •   3,711
  • 17.088

Thành phố Pompeii là thành phố cổ có lịch sử lâu đời, nằm  phía Tây Nam nước Italia, dưới chân núi lửa Vesuvius.

Núi lửa Vesuvius

Theo sử sách, thành Pompeii được 10 bộ lạc lớn có tên Aus cùng nhau xây dựng. Đến năm 79, nơi đây đã trở thành câu lạc bộ của những người giàu. Tầng lớp quý tộc thương gia giàu có kéo nhau đến đây tìm lạc thú, bởi vậy thành Pompeii đã trở thành một Thủ đô Tửu Sắc.

Núi lửa Vesuvius là ngọn núi lửa đang hoạt động. Đến đầu Công nguyên, nhà địa lý học nổi tiếng Strabo căn cứ vào đặc trưng mẫu đất Vesuvius xác định rằng núi lửa này đã ngừng hoạt động. Người dân Pompeii lúc đó hoàn toàn tin vào lời suy luận, phán đoán của Strabo nên rất an tâm sinh sống dưới chân núi lửa Vesuvius. Hai bên sườn ngọn núi lửa, người ta trồng những cánh đồng màu xanh ngát, trên bình nguyên đi đâu cũng thấy rừng chanh, quất và các loại cây khác như nho... Họ đâu ngờ "ngọn núi lửa đã chết" kia vẫn đang chuẩn bị gây ra một tai họa lớn mang tính hủy diệt.

Hình ảnh người chết ôm mặt

Vào năm 62, ở đây đã xảy ra một trận động đất cực mạnh tàn phá thành phố Pompeii, nhiều công trình kiến trúc bị đổ nát. Những tàn tích kiến trúc thấy hiện nay ở thành phố Pompeii là kết qủa của trận động đất này gây ra. Sau trận động đất, người Pompeii tiếp tục bắt tay vào xây dựng lại thành phố, thậm chí họ còn muốn xây dựng một thành phố hào hoa hơn.

Nhưng thành phố Pompeii mới chưa chịp phục hồi thì ngày 24 tháng 8 năm 79, ngọn núi lửa Vesuvius lại bất ngờ phun nham thạch. Hồi đó toàn thành phố Pompeii có 25 nghìn dân. Tuy phần lớn chạy thoát những vẫn có hơn 2000 người bị vùi dưới tro bụi và dung nham của núi lửa. Sau khi núi lửa ngừng hoạt động, một số người sống sót đã quay trở lại thành cổ dưới chân núi Vesuvius để tìm kiếm tài sản khi tháo chạy không kịp mang theo; nhưng họ đã không tìm thấy một thứ gì. Cùng với dòng chảy của thời gian, mọi người dần quên lãng thành phố Pompeii và thành phố cũng mất tích từ đó.

Năm 1594, một người nông dân xây dựng kênh dẫn nước trên vùng đất thuộc thành cổ Pompeii năm xưa tình cờ phát hiện thấy một mảnh đá cẩm thạch lớn bị vỡ và cả tiền đá. Năm 1689, một người ở ngoại ô Napoli trong khi đào giếng đã nhặt được vài mảnh đá khắc chữ, trong đó có một mảnh khắc tên Pompeii. Căn cứ vào các phát hiện đó có người dự đoán thành phố Pompeii được xây dựng tại khu vực này.

Hình ảnh người chết bị chôn vùi

Năm 1748, nông dân địa phương tiếp tục phát hiện thấy một số di vật ở di chỉ thành cổ Pompeii. Và công các tìm kiếm thành cổ Pompeii của các nhà khảo cổ được bắt đầu.

Dưới đống tro núi lửa chỗ cây cọ đỏ, người ta tìm thấy bức họa kỳ diệu và khai quật được bộ hài cốt đầu tiên, bên cạnh rơi một vài đồng tiền vàng, tiền bạc cổ đại. Từ dấu vết để lại trên nền đất có thể thể suy đoán người này đang vội vàng nhặt những đồng tiền vàng rơi vãi không may bị ngã chết.

Năm 1763, John Winckeman - người Đức (1717-1768) phụng lệnh làm tổng giám sát những văn vật trong thành Rome và khu vực lân cận. Với chức vụ này, John Winckeman đã đến thăm Vesuvius và Herculaneun. Ông đã đánh gá rất cao những văn vật được tìm thấy trong thành cổ Pompeii. Ông còn bỏ công chỉnh lý lại trật tự các văn vật bị thất lạc, phác họa hình dáng lịch sử của Pompeii.

Hình ảnh người chết bị chôn vùi

Năm 1808 - 1815, học giả người Pháp đã chỉ đạo công tác khai quật thành phố chết Pompeii. Nhưng phải đến 1860 người ta mới bắt đầu tiến hành khai quật có hệ thống. Năm 1890, nhà khảo cổ học Usepi - Fuaurouli chính thức đưa công tác khai quật đi vào hoạt động. Ông đã nghiên cứu ra kỹ thuật khai quật mới giúp người chết bị chôn vùi, động vật, đồ dùng gia đình và các kiến trúc bằng gỗ đều được tái hiện diện mạo vốn sẵn có. Du khách có thể nhìn thấy hàng trăm tư thế của người bị nạn trước khi chết: Hai tay ôm đầu người co tròn thành một cục; hoặc tay ôm mặt gục đầu xuống đất; hoặc tay ôm túi tiền tháo chạy hoảng hốt; hoặc người mẹ bồng con cùng chết; hoặc những đấu sỹ nô lệ tìm cách phá khóa nhưng không được nên khi chết vẫn còn bị nằm trong dây xích... Đây quả là một màn thảm kịch ghê rợn. Trong tư dinh hào hoa phú quý, căn phòng đang được tu sửa, khi cả chủ nhân và đám thợ mộc gặp nạn trốn dưới hành lang đều bị chết. Một biệt thự khác ở ngoại ô, chủ nhân và hai mươi nô lệ khi gặp nạn cùng bị chết khi đang trốn dưới hầm ngầm.

Đến nay, thành cổ Pompeii mới chỉ có 3/5 diện tích được khai quật. Cũng giống như Herculaneun, ở đây vẫn còn nhiều người bị nạn và các khí cụ bị chôn sâu dưới đống đổ nát trong lòng đất. Nhưng sự huy hoàng tráng lệ xưa kia của thành cổ Pompeii cũng được được bày ra một cách khá rõ ràng.


Toàn cảnh thành cổ Pompeii

Thành cổ Pompeii có diện tích 1,8km2. Tường thành được xây dựng bằng đá, tường bao dài 4,8km và có 7 cửa thành với 14 lầu tháp hoành tráng; 4 con phố lớn rải đá cắt ngang, dọc tạo thành 9 khu vực. Mỗi khu vực đều có phố lớn nhỏ thông nhau, ở phố lớn còn lưu lại vết xe bằng sắt rất sâu trên mặt đường giống như xe ngựa vừa đi qua.

Sân vận động

 Ở ngã tư các phố lớn đều có máy nước bằng đá cao gần 1m, dài khoảng 2m để cung cấp nước cho thị dân. Máng nước thông với tháp nước được dẫn từ nguồn nước của một ngọn núi cao ngoài thành bằng một máy treo xây bằng đá. Sau đó, các tháp nước này phân phối nước đến những máng nước công cộng ở các ngã tư. Suối phun và ao cá của các gia đình quý tộc, thương gia giàu có cũng đều dựa vào hệ thống cung cấp nước này.

Người Pompeii còn xây dựng hai rạp hát. Rạp hát lớn nhất nằm ở phía Đông Nam thành phố được xây năm 70 trước Công nguyên có sức chứa 2 vạn người. Rạp này còn được dùng làm sân thi đấu vật giữa người với người và người với dã thú.

Rạp hát

Ở sườn Đông của rạp hát lớn có một sân thể thao, mỗi góc dài khoảng 130m. Sân thể thao này rất hào hoa tráng lệ, có bể bơi đặt ở giữa. Theo dự đoán, sân có thể chứa được hơn một vạn người và cũng có thể ở đây thường xuyên diễn ra các hoạt động kinh tế, chính trị và tôn giáo của toàn thành phố Pompeii.

Phía Tây Nam thành phố có một quảng trường hình chữ nhật, xung quanh xây dựng dinh thự, tòa án, miếu thần và chợ.

Có ít nhất 3 phòng tắm công cộng gồm phòng tắm nóng lạnh, tắm hơi và phòng trang điểm. Trên tường những phòng tắm đó được trang trí các bức bích họa và điêu khắc bằng đá.

Những cảnh dâm đãng vẽ trên tường quán rượu

Di chỉ thành cổ Pompeii phản ánh đầy đủ sự suy đồi đạo đức của xã hội La Mã cổ đại. Thời bấy giờ, ở đây đã có một bộ phận người đắm chìm trong tửu sắc với lối sống dâm ô đồi bại, xa hoa lãng phí. Chẳng thế mà trong thành phố Pompeii có rất nhiều kỹ viện và quán rượu. Trên tường các kỹ viện vẽ đầy những cảnh dâm đãng. Các quán rượu có lò và quầy rượu đặt ở ngay lối vào để khách có thể đứng ngoài quầy mà vẫn uống được rượu. Trên tường một số quầy rượu đặt còn lưu lại những dòng văn ngoệch ngoạc do chính tay các bợm rượu viết và tẩy xóa. Cho đến nay, các dòng chữ đó vẫn còn lờ mờ có thể phân biệt được.

Do thành Pompeii bảo tồn những tư liệu quý và toàn bộ diện mạo của đời sống xã hội thời La Mã cổ đại nên nó đã trở thành Viện bảo tàng lịch sử tự nhiên hiếm thấy trên thế giới.

H.T sưu tầm
  • 3,711
  • 17.088