Bí mật cất lời ca trên đôi cánh

  •  
  • 1.480

Hầu hết các loài chim chỉ có thể hót khi chúng đậu trên cành cây và thực hiện những tiếng gọi bầy khi đang bay. Nhưng gần đây các nhà khoa học đã phát hiện ra ở một số loài chim, âm thanh mà chúng tạo ra khi đang bay giống tiếng hót hơn là những tiếng gọi bầy thông thường. Các nhà khoa học thường gọi các loài chim này là những “nghệ sĩ của bầu trời”.

Sở dĩ như vậy là vì tiếng hót thường mang những âm điệu thánh thót, du dương và phức tạp. Chim đực sử dụng tiếng hót như là công cụ để thu hút bạn tình và xua đuổi những kẻ xâm nhập. Khác với tiếng hót, tiếng gọi bầy là tập hợp của nhiều loại âm thanh đơn giản hơn và được sử dụng để liên lạc giữa các thành viên trong đàn hoặc cảnh báo nguy hiểm. Các nhà khoa học hiện vẫn tranh cãi về công dụng của tiếng hót khi bay nhưng số đông ý kiến đều cho rằng chim đầu đàn sử dụng tiếng hót này để chỉ dẫn cả đàn như bay chậm lại hoặc thấp xuống. 

Chích chòe cổ vàng Geothlypis trichas (Ảnh: Greglasley)

Những “bản nhạc trên không trung” này thường xuất hiện ở các loài chim sinh sống ở khu vực Bắc Mỹ như: loài chim chích Nashville, loài chích chòe cổ vàng (tên khoa học: Geothlypis trichas) hoặc loài vẹt nâu (tên khoa học: Calamospiza melanocorys). Theo nghiên cứu được công bố năm 1991 của Tổ chức nghiên cứu và bảo tồn chim Cooper, loài chích chòe cổ vàng là loài chim có ngôn ngữ phong phú nhất, chúng có thể sử dụng tiếng hót và tiếng gọi bầy cả trên mặt đất lẫn không trung, thậm chí những âm thanh mà chúng phát ra bao gồm cả những lời tán gẫu.

Mặc dù nhiều nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về công dụng của những “bản nhạc trên không trung” này, nhưng một nghiên cứu được công bố gần đây đã kết luận rằng, chim đực sử dụng tiếng hót khi đang bay để cảnh báo với chim cái về kẻ thù, đồng thời thu hút sự chú ý của những kẻ săn mồi về phía chúng.

Trịnh Vũ - Vietnamnet (Dịch từ NYT)
  • 1.480