Bí mật "chiếc cưa xương" của Adolf Hitler khiến lính Mỹ khiếp đảm

  •   4,73
  • 4.715

Quân đội Mỹ từng phải làm hẳn một bộ phim để động viên các binh sĩ không mất tinh thần trước hỏa lực khủng khiếp của "lưỡi cưa tròn" MG42.

Khi Thế chiến II bùng phát vào năm 1939, quân đội phát xít Đức đã có khẩu MG34, loại súng máy đa năng đáng tin cậy và chắc chắn, nhưng lại có giá thành khá đắt đỏ và mất nhiều thời gian sản xuất.

Bộ Tư lệnh tối cao Đức muốn trang bị nhiều súng máy hơn cho quân đội nên đã đặt hàng thiết kế một thứ vũ khí mới có tốc độ bắn nhanh như khẩu MG34 nhưng với chi phí rẻ hơn và sản xuất nhanh hơn.

Súng máy MG42 của phát xít Đức trong Thế chiến 2.
Súng máy MG42 của phát xít Đức trong Thế chiến 2. (Ảnh: Wikipedia).

Nhà máy Mauser-Werke đã phát triển một khẩu súng máy sử dụng đạn 7,92 mm lắp băng đạn 50 viên hoặc 250 viên. Khẩu MG42 này còn sử dụng các bộ phận thép cán và hàn với nhau theo kỹ thuật mới giúp giảm được 35% thời gian sản xuất.

Khẩu MG42 có tầm bắn hiệu quả lên tới 701 m, trọng lượng toàn bộ 11,3 kg. Một kíp xạ thủ có thể thay nòng của nó trong tích tắc.

Sau những lần đụng độ với khẩu súng máy đầy uy lực này, lính Mỹ gọi MG42 là "lưỡi cưa tròn của Hitler", bởi cách nó quạt ngang đội hình khiến bộ binh đối phương gục như ngả rạ. Hồng quân Liên Xô thì gọi nó là "con dao cắt vải" bởi âm thanh xé gió độc đáo của nó được tạo ra từ tốc độ bắn cực nhanh. Người Đức đặt cho nó biệt danh đáng sợ là "chiếc cưa xương" của Hitler, và thậm chí còn xây dựng hẳn một chiến thuật bộ binh cho các đơn vị trang bị thứ vũ khí này, theo WarIsboring.

Nhiều sử gia quân sự cho rằng, MG42 là khẩu súng máy đa năng tốt nhất từng được chế tạo với một số biến thể có tốc độ bắn lên tới 1.800 phát/phút, gấp gần hai lần so với các vũ khí tự động của bất kỳ quân đội nào ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, khẩu súng máy này cũng có những điểm hạn chế. Với tốc độ bắn cực nhanh của mình, MG42 ngốn rất nhiều đạn và không thể bắn phát một nên nó bị quá nhiệt rất nhanh, khiến nòng súng bị nóng đỏ. Dù vậy, chỉ riêng tiếng nổ của nó cũng đã đủ để khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

"Âm thanh của nó giống như tiếng kéo khóa. Nó ngốn rất nhiều đạn và gây khó khăn trong khâu hậu cần, bù lại nó cướp đi sinh mạng của rất nhiều lính đối phương", Oliver W. Martin Jr., cựu binh từng phục vụ trong Sư đoàn thiết giáp số 13 Mỹ, kể lại.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, chỉ cần nghe thấy tiếng súng MG42 khai hỏa trong một loạt bắn thôi cũng đủ khiến lính Mỹ bạt vía. Tinh hình tệ đến mức quân đội Mỹ từng phải sản xuất một bộ phim để khích lệ tinh thần những binh lính hoảng loạn bởi danh tiếng của loại súng này.

Trên thực tế, súng máy MG42 đã khiến hàng nghìn quân Đồng minh bị chết hoặc bị thương nghiêm trọng. Sử gia quân sự Mỹ James H. Willbanks cho biết khẩu súng MG42 gần như xuất hiện ở mọi nơi trên chiến trường châu Âu, từ các ụ súng cho đến xe bán tải và những cỗ xe tăng Panzer.

Uy lực khủng khiếp của súng máy MG42 thậm chí còn định hình chiến thuật bộ binh Đức trong Thế chiến II. Trong khi các chiến lược gia Mỹ, Anh chỉ chú trọng vai trò của súng trường, coi súng máy chỉ là hỏa lực chi viện cho bộ binh tấn công, người Đức lại coi xạ thủ súng máy là trung tâm của đội hình, còn các binh sĩ khác chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Mỗi khẩu đội MG42 có 6 xạ thủ, gồm một chỉ huy bắn, xạ thủ, một lính vác đế súng và ba lính khác mang nòng súng thay thế, đạn dược và các thiết bị khác.

Lính Đức sử dụng súng máy MG42.
Lính Đức sử dụng súng máy MG42. (Ảnh: Wikipedia).

Khi bộ binh Đồng minh tấn công các cứ điểm được bảo vệ bởi khẩu MG42, kíp xạ thủ Đức sẽ khai hỏa tạo làn hỏa lực áp chế đối phương. Trong tình huống này, tất cả những gì mà lính Đồng minh có thể làm là ẩn nấp thật kỹ, chờ đến khi lính Đức thay nòng súng, hoặc khi súng hết đạn, hoặc đợi xe tăng thổi tung ổ súng máy địch.

Sau Thế chiến II, súng máy MG42 tiếp tục được Tây Đức sử dụng trong cuộc nội chiến Đức. Sau khi thiết kế lại để có thể sử dụng đạn 7,62 mm của NATO nhưng vẫn bảo toàn được uy lực đáng sợ của nó, người Đức đã định danh vũ khí này là MG3.

Ngày nay, súng máy MG42 vẫn được Đức và 30 quốc gia khác tiếp tục sử dụng và trang bị cho lính bộ binh.

Cập nhật: 12/03/2021 Theo VNE
  • 4,73
  • 4.715