Cách các loài động vật tiến hóa và thích nghi có thể đem đến những bài học về sự phát triển lành mạnh cho con người.
Trong thế giới tự nhiên, mỗi loài động vật đều có một cách khác nhau để bảo vệ bản thân khỏi những tác nhân gây hại trong môi trường. Chúng thích nghi và tiến hóa để trở thành một phiên bản hoàn thiện nhất. Từ góc nhìn một nhà nghiên cứu về y học, bác sĩ David Agus (Giáo sư kỹ thuật y khoa tại Đại học Nam California) đã thấy được những bí mật của các loài động vật. Cách chúng bảo vệ bản thân có thể đem lại cho con người những bài học quý giá về sức khỏe.
Voi có số lượng gene p53 nhiều gấp 20 lần con người - những gene có khả năng hữu ích trong cuộc chiến chống ung thư. (Ảnh: CBS).
Những tiến bộ của công nghệ trong nhiều thập kỷ qua đã kéo dài tuổi thọ con người. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị công nghệ, chẳng hạn máy tính và điện thoại thông minh đã khiến nhiều người mắc phải những “căn bệnh của nền văn minh”. Trong đó bao gồm huyết áp cao, bệnh tim, béo phì... Những vấn đề này bắt nguồn từ việc con người ngày càng căng thẳng, lười vận động và thói quen ăn uống không lành mạnh.
Tất cả vấn đề trên được giáo sư Agus nhìn qua lăng kính thế giới động vật. Ông đưa ra cho người đọc câu trả lời về việc tại sao việc thuần hóa loài chó lại mang lại lợi ích cho cả chúng và con người. Kỹ năng định hướng của loài chim có thể giúp làm giảm sự suy giảm nhận thức như thế nào. Lợi ích của việc nghiên cứu hươu cao cổ để kiểm soát huyết áp của con người. Voi và tinh tinh là yếu tố quan trọng góp phần vào cuộc chiến bảo sức khỏe não bộ, đánh bại ung thư, giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và bệnh tim mạch.
Tác giả viết: “Không giống như con người bảo vệ quá mức, các con tinh tinh mẹ rất dễ dãi. Chúng để con mình chơi đùa và ngã xuống… Cha mẹ bao bọc quá mức nuôi dạy những đứa trẻ kém tự tin hơn, những đứa trẻ lớn lên với ít lòng tự trọng hơn những gì chúng có được từ việc nuôi dạy chúng mang lại cho chúng cảm giác tự chủ".
Agus truyền đạt ý tưởng rằng quá trình trưởng thành của dơi và kiến có thể dạy con người về sự tự giác và nỗ lực. Tê giác là minh chứng cho việc tạo ra những thay đổi nhỏ trong môi trường của con người có thể có tác động lớn như thế nào. Sứa và cá heo chứng minh cách ngăn chặn sự suy giảm thần kinh. Ngay cả chuột đồng, những sinh vật đào hang, có vẻ nhút nhát, cũng có thể dạy con người về sự gắn kết và tình bạn. Agus củng cố tuyên bố của mình bằng các kết quả nghiên cứu và ở cuối mỗi chương, ông đưa vào một bản tóm tắt về những cách con người có thể kết hợp các kỹ thuật thích nghi của động vật vào trong đời sống hiện đại.
Trong một cuộc phỏng vấn với CBS, giáo sư Agus chia sẻ: "Bí mật của động vật là những biến đổi ngầm có thể giúp ích cho sức khỏe con người chúng ta". Tác giả của cuốn The End of illness cho rằng chim có thể di cư khắp thế giới và tìm đến nơi chúng muốn đến. Chim có trí nhớ về các địa danh nhất định. Vì vậy, nếu con người muốn duy trì chức năng nhận thức trong một thời gian dài thì cần thực hiện các hoạt động liên quan đến nhận dạng mẫu và hoạt động thể chất đó.
Các nghiên cứu và nhận định của giáo sư David Agus sẽ được tập hợp trong cuốn sách The Book of Animal Secrets. Những trang viết được Sanjay Gupta (tác giả của cuốn Keep Sharp, sách bán chạy số 1 của New York Times) ví như chuyến đi hấp dẫn qua vương quốc động vật. Nó cung cấp cho độc giả những hiểu biết độc đáo về sức khỏe.
"Tiến sĩ David Agus mô tả một cách xuất sắc những bài học xung quanh chúng ta, nếu chúng ta dành thời gian chú ý: từ những con tê giác có thể dạy chúng ta cách tập thể dục cho đến những chú chim bồ câu có thể giúp bảo tồn trí nhớ của chúng ta", bà Gupta nhận xét.