Bí mật của mực bảo mật, mực tàng hình

  •  
  • 1.219

Hóa chất đặc dụng này vốn được ngành tình báo và phản gián nghiên cứu, chế tạo, sử dụng nhằm truyền tin mật, nhưng ngày nay đã có những ứng dụng công khai trong đời sống.

Đôi nét lịch sử và ngôn ngữ

Mực tàng hình là hóa chất đặc dụng, dùng để viết vẽ lên giấy (hoặc bề mặt cấu tạo bằng chất liệu nào phù hợp theo quy định), ngay sau khi viết vẽ thì thông điệp nọ biến mất, muốn giải mật phải dùng những biện pháp tương thích thì thông điệp hiện ra. Tất nhiên, thông điệp nọ thường mã hóa dạng mật thư. Trên tờ giấy được viết vẽ bằng mực tàng hình, người ta viết vẽ thêm những gì “chẳng ảnh hưởng hòa bình thế giới” bằng mực hiển thị.

Tờ Mỹ kim hiện thời có in bằng mực tàng hình, chiếu tia tử ngoại thì thấy
Tờ Mỹ kim hiện thời có in bằng mực tàng hình, chiếu tia tử ngoại thì thấy

Từ cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), ngành tình báo và phản gián quan tâm sử dụng (viết vẽ và hóa giải) mực tàng hình. Song trong lịch sử, kỹ thuật này từng được con người đề cập vào thuở xa xưa, như nhà thơ, nhà văn Hy Lạp cổ đại Aeneas viết trong tác phẩm Về phòng thủ pháo đài vào thế kỷ IV trước Công nguyên. Những tác giả khác sau đó, chẳng hạn nhà thơ La Mã Publius Ovidius Naso (chào đời năm 43 trước Công nguyên, mất năm 17 hay 18 trong Công nguyên) và nhà triết học, tự nhiên học, chỉ huy quân sự La Mã là Gaius Plinius Secundus (23 - 79) thường được gọi Pliny Cậu đã ghi nhận những thông tin liên quan mực tàng hình.

Mực đặc biệt này qua vài thứ tiếng:

  • Anh: Invisible ink / security ink / sympathetic ink
  • Pháp: Encre invisible / encre sympathique
  • Tây Ban Nha: Tinta simpática / tinta invisible
  • Bồ Đào Nha: Tinta invisível
  • Đức: Geheimtinten /sympathetische Tinten
  • Nga: симпатические чернила / невидимы чернила
  • Nhật: 不可視インク
  • Hoa: 隐形墨水(bính âm: yinxíng mòshui; âm Hán - Việt: Ẩn hình mặc thủy)
  • Tiếng Việt gọi mực bảo mật / mực an ninh / mực vô hình / mực ẩn hình / mực tàng hình.

Phân loại

Có nhiều cách phân loại mực tàng hình, ở đây chia chưa đầy đủ theo phương pháp giải mật.

Phát hiện bằng nhiệt

Tạm gọi mực nhiệt. Đó là hầu hết các chất lỏng có tính acid như:

  • Nước chanh, táo, cam, hành tây.
  • Rượu, giấm.
  • Dung dịch mật ong, dung dịch đường.
  • Nước xà phòng.
  • Một số loại nước ngọt, ví dụ Coca Cola.
  • Sữa.
  • Dịch cơ thể như huyết tương.

Phát hiện bằng phản ứng hóa học

  • Nước chanh, tinh bột được đọc khi ngâm giấy vào dung dịch iod.
  • Giấm, ammonic được đọc bằng nước bắp cải tím.
  • Muối ăn / muối mỏ, tiếng Pháp gọi clorure de sodium, tiếng Anh gọi sodium chloride, công thức phân tử NaCl, được đọc bằng bạc nitrat được ký hiệu – AgNO3.

Phát hiện bằng tia cực tím

Loại tia này, tiếng Hoa gọi紫外線/tử ngoại tuyến, tiếng Pháp gọi ultra-violet, tiếng Anh gọi ultraviolet (UV):

  • Nước chanh.
  • Bột giặt.
  • Xà phòng tắm.
  • Kem chống nắng.
  • Dịch cơ thể là nước bọt, huyết tương.

Thuộc tính và ứng dụng

Trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhì (1939 - 1945), cẩm nang huấn luyện Đội Tác chiến đặc biệt / Special Operations Executive (SOE – thành lập năm 1940) của Anh nêu 10 thuộc tính mực tàng hình “lý tưởng”:

  • 1. Tan được trong nước.
  • 2. Không bay hơi, tức không có mùi rõ rệt.
  • 3. Không lắng đọng tinh thể trên giấy, tức không dễ nhìn thấy dưới ánh sáng.
  • 4. Vô hình dưới tia cực tím.
  • 5. Không phân hủy hoặc làm mất màu giấy.
  • 6. Không phản ứng với iod hoặc chất phát hiện thông thường nào khác.
  • 7. Càng ít càng tốt các phương pháp giải mật, tức cách là chữ hiện ra.
  • 8. Không phải là hợp chất của một số hóa chất nhất định, vì điều này vi phạm mục 7 nêu trên.
  • 9. Không hiện ra khi bị tác động nhiệt.
  • 10. Dễ có và có ít nhất một cách sử dụng công khai hợp lý an toàn cho chủ sở hữu.

Mực tàng hình được ngành tình báo và phản gián nghiên cứu, chế tạo, sử dụng, chủ yếu để truyền phát thông tin tất nhiên bí mật. Tuy nhiên, thời hiện đại, nhiều giấy tờ quan trọng vẫn được các quốc gia công khai dùng mực tàng hình nhằm chống hàng giả, chẳng hạn bằng cấp ở Ba Lan, tiền giấy của Hoa Kỳ.

Cập nhật: 13/05/2020 Theo GD&TĐ
  • 1.219