Tại vùng biển băng giá phía bắc nước Nga, có một 'nấm mồ' khổng lồ, tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường cho con người và sinh vật biển. Mối nguy hiểm đó đến từ các lò phản ứng hạt nhân bỏ đi nằm dưới đáy đại dương. Và chúng ở bên trong các tàu ngầm "quá hạn sử dụng" của Liên Xô.
Trong nhiều thập kỷ, Liên Xô đã sử dụng biển Kara hoang vắng (ở Bắc Băng Dương) làm bãi rác thải hạt nhân. Hàng nghìn tấn vật liệu hạt nhân, gấp gần 6,5 lần bức xạ phóng ra tại Hiroshima (Nhật Bản) sau ngày Mỹ thả bom hạt nhân Little Boy năm 1945, đã đi vào lòng đại dương.
Bãi phế liệu hạt nhân dưới nước này có chứa ít nhất 14 lò phản ứng đã qua sử dụng và toàn bộ một tàu ngầm mà Liên Xô cho là quá nguy hiểm và tốn kém. Hiện thực này đang ám ảnh người Nga ngày nay.
Liệu chính phủ Nga có ra tay giải quyết vấn đề nhức nhối này hay ngồi yên để "thảm họa hạt nhân Chernobyl dưới nước" cứ thế xảy ra?
Liên Xô đã xây dựng vũ khí hải quân năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới trong nửa sau của thế kỷ 20, chế tạo nhiều tàu ngầm chạy bằng nguyên tử hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.
Vào thời kỳ đỉnh cao quân sự của mình vào giữa những năm 1990, Liên Xô tự hào có 245 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, 180 trong số đó được trang bị lò phản ứng kép và 91 trong số đó mang theo hàng chục tên lửa đạn đạo tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.
Chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô là K-3 (K-3 là mật mã tàu ngầm lớp November đầu tiên do NATO đặt và gọi; Liên Xô gọi chúng là Whale class). Nguyên mẫu K-3 lần đầu tiên ra khơi sử dụng năng lượng hạt nhân vào ngày 4 tháng 7 năm 1958.
Các tàu ngầm lớp November là những tàu ngầm tấn công hàng đầu được thiết kế để định vị tàu nổi và tàu ngầm đối phương bằng cách sử dụng hệ thống sonar MG-200 mạnh mẽ. Khi đã ở trong tầm bắn, các tàu November class sẽ tấn công bằng ngư lôi 533mm SET-65 hoặc 53-65K tiêu diệt tàu, mỗi ngư lôi mang theo 300 kg thuốc nổ phá hủy thân tàu.
Tàu ngầm hạt nhân K-3 neo đậu tại Nhà máy đóng tàu Nerpa gần Murmansk. (Ảnh: LEV FEDOSEYEV GETTY).
Tám tàu ngầm lớp Hotel class, được chế tạo để chứa và phóng bổ sung tên lửa đạn đạo, đã gia nhập hạm đội Liên Xô từ năm 1959 đến năm 1962. Trong khi các tàu ngầm lớp November là thợ săn của Liên Xô, thì các tàu ngầm lớp Hotel trở nên "tàng hình" hoặc không bị phát hiện, thực hiện nhiệm vụ đo khoảng cách của các mục tiêu tiềm năng.
Khi các căn cứ quân sự hoặc trung tâm dân sự của đối phương nằm trong tầm bắn, một tàu ngầm lớp Hotel có thể phóng loạt tên lửa hạt nhân R-13 hoặc R-21, mỗi tên lửa có đương lượng nổ 800 kiloton.
Theo bản tin của các nhà khoa học nguyên tử, một cuộc tấn công có cường độ như thế này vào Midtown Manhattan (trung tâm của quận Manhattan, Thành phố New York, Mỹ) có thể sẽ giết chết hơn 2 triệu người. Thiệt hại về người còn lan đến các quận Queens, Brooklyn và một phần của bang New Jersey ở phía tây Hudson.
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Echo của Liên Xô đã ra khơi vào năm 1960. Các tàu ngầm này được trang bị hai lò phản ứng làm mát bằng nước và mang tên lửa hành trình thông thường và đầu đạn hạt nhân, cùng với ngư lôi. Liên Xô đã chế tạo 5 chiếc Echo I - được trang bị 6 tên lửa hành trình phản lực tăng áp P-5 để tấn công các mục tiêu trên đất liền - sau đó là 29 chiếc Echo II, được trang bị đặc biệt với tên lửa chống hàng hải nhằm vô hiệu hóa tàu sân bay Mỹ.
Phần lớn các lớp tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô hoạt động tại Hạm đội phương Bắc có trụ sở tại Bắc Cực. Các căn cứ của Hạm đội Phương Bắc cách bãi thải biển Kara khoảng 900 km về phía Tây. Hạm đội thứ hai, nhỏ hơn một chút về sức mạnh tàu ngầm của Liên Xô là Hạm đội Thái Bình Dương, có trụ sở tại và xung quanh Vladivostok trên bờ biển phía đông của Liên Xô phía trên Triều Tiên. Các tàu ngầm bổ sung thời Liên Xô khởi hành từ các căn cứ ở Baltic và Biển Đen.
Trong nhiều thập kỷ, những lớp tàu ngầm tiên phong của Liên Xô này đã phục vụ khắp thế giới, chờ đợi thời điểm Chiến tranh Lạnh chuyển sang trạng thái "nóng". Tuy nhiên, khoảnh khắc đó không bao giờ đến. Điều may mắn này đến thì cũng có điều rủi ro khác về.
Vào giữa những năm 1980, tàu ngầm hạt nhân bắt đầu hết tuổi thọ sử dụng. Bắt đầu từ năm 1987, những chiếc tàu ngầm lớp Echo I lâu đời nhất rời hạm đội để ngừng hoạt động và các tàu ngầm tấn công lớp November tiếp nối vào năm 1988. Nhưng việc loại bỏ những chiếc tàu ngầm này gây ra nhiều vấn đề hơn so với các tàu thông thường trước đó. Trước khi tách các con tàu ra, các lò phản ứng phụ và các vật liệu phóng xạ liên quan phải được dỡ bỏ, và Liên Xô không phải lúc nào cũng làm điều này đúng cách.
Các tàu ngầm hạt nhân có thể gây ra thảm họa ngay cả trước khi chúng đi vào hoạt động. Vào tháng 10 năm 1995, 12 tàu ngầm của Liên Xô ngừng hoạt động đang chờ xử lý ở thành phố cảng Murmansk bên vịnh Kola. Mỗi tàu đều có pin nhiên liệu, lò phản ứng và chất thải hạt nhân.
Quá trình loại bỏ bắt đầu bằng việc chiết xuất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của tàu từ lõi lò phản ứng. Mối nguy hiểm đến ngay lập tức: Năm 1985, một vụ nổ trong quá trình khử nhiên liệu của một tàu ngầm lớp Victor đã giết chết 10 công nhân và làm phát tán chất phóng xạ vào không khí và biển.
Một góc tàu ngầm K-27. Ảnh chụp vào năm 2012. (Nguồn: COURTESY NORWEGIAN RADIATION AND NUCLEAR SAFETY AUTHORITY).
Đến giai đoạn xử lý các lò phản ứng của tàu, các thủy thủ đoàn sẽ cắt các lát dọc vào thân tàu ngầm và cắt khoang lò phản ứng đơn hoặc kép cùng với một khoang bổ sung ở phía trước và phía sau trong cùng một khối hình trụ khổng lồ duy nhất. Sau khi được niêm phong, khối trụ này sẽ được cẩu lên sà lan và đưa đến cơ sở lưu giữ dài hạn.
Nhưng trong Chiến tranh Lạnh (1946-1991), việc lưu trữ rác thải hạt nhân ở Liên Xô thường đồng nghĩa với việc đổ xuống biển sâu. Đó là lý do, ít nhất 14 lò phản ứng từ các tàu cũ của Hạm đội Phương Bắc đã bị vứt bỏ xuống biển Kara. Đôi khi, người Liên Xô bỏ qua bước khử nhiên liệu trước đó, bỏ lò phản ứng với các thanh nhiên liệu có tính phóng xạ cao vẫn còn nguyên vẹn xuống đại dương.
Nhiều thông tin cho hay, Hạm đội Phương Bắc cũng đã cho dỡ bỏ 17.000 container chứa vật liệu hạt nhân nguy hiểm và cố tình đánh chìm 19 tàu chứa chất thải phóng xạ, cùng với 735 thiết bị máy móc hạng nặng bị nhiễm xạ. Nhiều chất thải lỏng ở mức độ thấp hơn được đổ trực tiếp vào vùng nước băng giá.
Một trong những vụ thải bỏ nghiêm trọng và nguy hiểm nhất là K-27, tàu ngầm thử nghiệm lớp November với hai lò phản ứng làm mát bằng kim loại lỏng. Khi ở trên biển vào năm 1968, một lò phản ứng trên chiếc K-27 đã bị rò rỉ và một phần hư hỏng. Phơi nhiễm phóng xạ đã giết chết 9 thủy thủ và 83 người khác bị ốm.
Ảnh trái: 9 trong số 10 thủy thủ trên chiếc K-159 đã thiệt mạng - Ảnh phải: Tàu ngầm K-159 được gắn chặt vào cầu phao trong lần trục vớt năm 2003. (Nguồn: COURTESY BELLONA.ORG).
K-27 khập khiễng quay trở lại cảng, nhưng sau nhiều năm phân tích, các thủy thủ đoàn cho rằng nó không thể tái sử dụng được. Năm 1981, Liên Xô kéo tàu K-27 đến biển Kara và đánh đắm con tàu ngầm, đưa mọi thứ - từ nhiên liệu, lò phản ứng và các chất thải khác - xuống đáy biển lạnh.
Các chuyên gia đề xuất, việc đánh chìm vật liệu hạt nhân muốn đảm bảo an toàn phải ở độ sâu ít nhất 3.000 mét. K-27 nằm ở độ cao 50 mét!
Vào năm 2012, một cuộc kiểm tra chung của Na Uy và Nga đối với xác tàu K-27 cho thấy sự xuống cấp rất ít - nhưng các chuyên gia hải quân cho rằng chiếc tàu ngầm này chỉ có thể nguyên vẹn cho đến năm 2032.
Một tàu ngầm khác có lẽ là nguy cơ lớn hơn đối với rò rỉ phóng xạ là K-159, lớp November, bị tai nạn phóng xạ vào năm 1965 nhưng phục vụ cho đến năm 1989. Sau khi mòn mỏi cất giữ trong 14 năm, một cơn bão năm 2003 đã "xé toạc" K-159, và chiếc tàu bị vùi dập lao xuống đáy biển Barents, giết chết 9 thủy thủ đoàn. Xác tàu nằm ở độ sâu khoảng 250 mét, với đầy đủ các lò phản ứng được cấp nhiên liệu phóng xạ.
Gần đây, Nga công bố kế hoạch trục vớt K-27, K-159 và 4 khoang lò phản ứng nguy hiểm khác từng bị ném xuống biển Bắc Cực. Tính đến tháng 3 năm 2020, các nhà chức trách Nga ước tính chi phí của nỗ lực trục vớt sẽ vào khoảng 330 triệu USD.
Mục tiêu đầu tiên là K-159. Nhưng việc nâng chiếc tàu trở lại bề mặt sẽ cần một tàu đặc biệt, một loại tàu chưa tồn tại. Việc thiết kế và chế tạo con tàu đó dự kiến bắt đầu vào năm 2021, hoàn thành vào cuối năm 2026.
Giờ đây, để tránh một "thảm họa hạt nhân Chernobyl dưới nước", người Nga đang bắt đầu một cuộc chạy đua ráo riết chống lại sự phân hủy đáng sợ, không ngừng dưới đáy biển.
Đại dương vô hình chung khiến lò phản ứng trên tàu ngầm dần "thối rữa", có nguy cơ tạo ra một "đám mây phóng xạ" có thể lây nhiễm các quần thể hải sản địa phương, phá hủy các ngư trường dồi dào và làm ô nhiễm vùng biên giới thăm dò dầu khí tại đây.
Andrey Zolotkov, Giám đốc Bellona-Murmansk, một tổ chức môi trường phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở tại Na Uy, cho biết: "Việc vi phạm hàng rào bảo vệ và việc phát hiện cũng như phát tán hạt nhân phóng xạ trong nước biển có thể dẫn đến hạn chế đánh bắt. Ngoài ra, điều này có thể làm tổn hại nghiêm trọng đến các kế hoạch phát triển Tuyến đường Biển Phương Bắc".
Các hãng tin tức nổi tiếng thế giới còn dùng nhiều thuật ngữ thảm khốc hơn để mổ xẻ vấn đề. Hãng BBC (Anh) đưa ra lo ngại về một "phản ứng dây chuyền hạt nhân" vào năm 2013, trong khi tờ The Guardian (Anh) mô tả tình huống này là "một thảm họa môi trường đang sắp bùng nổ".
Gần như tất cả mọi người đều đồng ý rằng biển Kara đang đứng trước bờ vực của một thảm họa hạt nhân không kiểm soát được. Thậm chí việc thu hồi "bãi rác thải hạt nhân" đã bị chìm dưới đáy biển từ lâu còn là một thách thức khó khăn.
Các tàu ngầm hạt nhân có tuổi thọ ngắn nếu xét về chi phí và độ phức tạp tuyệt đối của chúng. Sau khoảng 20-30 năm, sự xuống cấp cùng với những bước nhảy vọt trong công nghệ khiến các tàu điện ngầm hạt nhân cũ trở nên lỗi thời.
Đồng thời, các tàu mới hơn kết hợp những tiến bộ mới nhất trong công nghệ nhà máy điện, luyện kim, hình dạng thân tàu, lớp phủ ma sát thấp và thiết kế chân vịt, giúp cho các tàu chiến đấu dưới biển nhanh hơn, êm hơn, lặn sâu hơn và nguy hiểm hơn.
Bản báo cáo năm 1998 của Lực lượng Đặc nhiệm Ban Khoa học Quốc phòng Mỹ có đoạn: "Những tiến bộ và phổ biến công nghệ sẽ làm cho khả năng tàng hình, sức bền và khả năng cơ động của tàu ngầm trở nên quan trọng hơn trong tương lai. Trong chiến đấu, "kẻ" lỗi thời sẽ bị tụt lại phía sau".