Biến chai nhựa thành tay, chân giả cho người khuyết tật

  •  
  • 514

Biến chai nhựa thành tay, chân giả cho người khuyết tật hứa hẹn sẽ là bước đột phá trong việc tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa, đồng thời hỗ trợ thiết thực cho cuộc sống.

Theo The Telegraph, nhóm nghiên cứu từ Trường ĐH De Montfort (Anh) bước đầu thành công trong việc biến vật liệu nhựa thu được từ các chai nước rỗng thành tay chân giả cho người khuyết tật.

Điều đặc biệt, sản phẩm mới này nặng chỉ bằng 40% so với các chi giả phổ biến trên thị trường hiện nay ở các nước phát triển.

Về giá cả, phát minh trên cũng giúp người dùng giảm chi phí đến 500 lần bởi mỗi bộ chỉ có giá 10 bảng, rẻ hơn nhiều so với những sản phẩm tiêu chuẩn thường lên đến 5.000 bảng trên thị trường.

5 chai nhựa dung tích 1 lít có thể làm ra một ống chân giả
5 chai nhựa dung tích 1 lít có thể làm ra một ống chân giả - (Ảnh: THE TELEGRAPH).

Theo thống kê, hiện có khoảng 45.000 công dân Anh đang phải phụ thuộc thuộc vào những loại tay, chân giả, với tổng số tiền cho việc sản xuất, bảo dưỡng và điều trị trên cả nước tiêu tốn khoảng 60 triệu bảng mỗi năm.

Trong khi đó, những báo cáo gần đây ghi nhận, trong một phút, chỉ 7% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu được tái chế, phần còn lại chủ yếu nằm lại dưới lòng đất hoặc bị xả thải ra đại dương.

TS Karthikeyan Kandan - thành viên trong nhóm nghiên cứu - cho biết ông và các đồng nghiệp đã kết nối 2 vấn đề tưởng chừng không liên quan thành một: nhu cầu chân tay giả và chai nhựa đã qua sử dụng.

Trước đây, chân giả đa phần được làm bằng nhựa khối, giàu polyethylene nhưng bất lợi là nặng và không bền.

Tuy nhiên, thiết kế mới dựa vào loại nhựa polyethylene terephthalate (PET) - có thể sản xuất từ vỏ chai nhựa - lại cho hiệu quả cao hơn như mạnh hơn 100 lần nhưng nhẹ bằng phân nửa so với nhựa khối.

Khi thử nghiệm chân tay giả - nhất là bộ phận ống chân - bằng nhựa PET, những người dùng đầu tiên đều cho rằng sản phẩm này mát hơn rất nhiều so với loại nhựa cũ, giúp họ thoải mái hơn khi di chuyển.

TS Karthikeyan Kandan cho biết hiện tại nhóm nghiên cứu đang chuẩn bị thực hiện một đợt khảo sát trên diện rộng với nhiều mẫu thiết kế chi tay giả từ loại nhựa đặc biệt này.

"Trước đây chai nhựa rất khó tái chế, thậm chí có thời gian chúng được xem như rác thải tổng hợp thay vì loại có thể sử dụng lại lần thứ 2" - TS Karthikeyan Kandan nói. Giờ đây, trung bình 5 chai nhựa cỡ 1 lít có thể tái chế và cung cấp đủ nguyên liệu sản xuất ra một ống chân giả.

Hiện tại, dự án nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các tổ chức, công ty, trong đó có cả Viện Khoa học Y khoa Anh.

Cập nhật: 31/08/2019 Theo Tuổi Trẻ
  • 514