Bill Gates ủng hộ 3 triệu USD cho dự án... che Mặt trời để chống nóng cho Trái đất

  •   4,33
  • 3.390

Có vẻ như tỷ phú Bill Gates chưa bao giờ thôi nghĩ về những điều lớn lao và vượt ngoài tầm hiểu biết của con người.

Làm mờ Mặt Trời để cứu Trái Đất khỏi hiện tượng nóng lên? Đúng vậy, đó là mục tiêu của Bill Gates khi quyết định chi 3 triệu USD cho dự án phun hàng triệu tấn bụi vào tầng bình lưu để ngăn tình trạng nóng lên toàn cầu của Đại học Harvard. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lo ngại dự án này sẽ gây ra một tai họa khác.

Lớp bụi này sẽ tạo ra một tấm chắn khổng lồ, phản chiếu lại ánh sáng Mặt Trời.
Lớp bụi này sẽ tạo ra một tấm chắn khổng lồ, phản chiếu lại ánh sáng Mặt Trời.

Theo Dailymail, kế hoạch nghe có vẻ xuất phát từ khoa học viễn tưởng này hoàn toàn có thể trở thành sự thật. Theo tính toán, nếu tiến hành dự án trên, các nhà khoa học sẽ phải huy động 800 máy bay mang hàng triệu tấn bụi phấn lên độ cao khoảng gần 20km và sau đó rắc trên tầng bình lưu.

Về mặt lý thuyết, lớp bụi này sẽ tạo ra một tấm chắn khổng lồ, phản chiếu lại ánh sáng Mặt Trời và tỏa nhiệt trở lại không gian, đồng thời làm mờ ánh sáng chiếu xuống Trái Đất, ngăn tình trạng nóng lên và biến đổi khí hậu.

Hiện tại các nhà khoa học tại Đại học Harvard đang chuẩn bị tiến hành thí nghiệm dự án Controlled perturbation Experiment (SCoPEx) trên bầu trời. Họ sẽ thả một khinh khí cầu lên cao và mang theo 2kg bụi canxi carbonat dạng một chiếc túi bột vào bầu khí quyển ở độ cao gần 20km trên sa mạc New Mexico.

Quả bóng sẽ gieo một lớp bụi dài gần 1 km và có bán kính hơn 76m2. Trong 24 giờ sau đó, khinh khí cầu sẽ được điều khiển quay trở lại vị trí vừa rải bụi và sử dụng cảm biến để theo dõi khả năng phản xạ ánh nắng Mặt Trời của lớp bụi và tác động của chúng lên không khí xung quanh.

Mô tả thí nghiệm dự án Controlled perturbation Experiment (SCoPEx).
Mô tả thí nghiệm dự án Controlled perturbation Experiment (SCoPEx).

Tuy nhiên, dự án SCoPEx đang tạm thời bị trì hoãn vì có nhiều lo ngại cho rằng, dự án có thể tạo ra một loạt phản ứng dây chuyền, tàn phá khí hậu và khiến hàng triệu người chết.

Một trong những giám đốc của Đại học Harvard, Lizzie Burns thừa nhận: "Ý tưởng của chúng tôi về cơ bản khá điên rồ nhưng biến đổi khí hậu cũng khốc liệt không kém". Hiện các nhà khoa học đã lập ra một hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia độc lập để đánh giá tất cả các rủi ro liên quan.

Vẫn còn nhiều vấn đề trước khi kế hoạch này có thể trở thành sự thật

Ý tưởng ra đời dự án trên xuất phát từ sự kiện phun trào núi lửa hồi năm 1991. Năm đó, núi lửa Pinatubo ở Philippines đã phun trào và giết chết hơn 700 người và khiến 200 người mất nhà cửa.

Nhân cơ hội này, các nhà khoa học cũng tiến hành theo dõi tác động của đám mây bụi đang bao phủ khắp tầng bình lưu. Núi lửa đã thải ra hơn 20 triệu tấn sulfur dioxide vào bầu khí quyền và tạo ra các giọt axit sulfuric trôi nổi trên khí quyền trong hơn 1 năm. Những giọt này có khả năng phản chiếu ánh sáng Mặt Trời. Nhờ đó, nhiệt độ toàn cầu năm đó đo được đã giảm 0,5 độ C.

Ý tưởng ra đời dự án trên xuất phát từ sự kiện phun trào núi lửa hồi năm 1991.
Ý tưởng ra đời dự án trên xuất phát từ sự kiện phun trào núi lửa hồi năm 1991.

Chính nhờ kết quả đầy bất ngờ này nên các nhà khoa học đã nảy ra ý tưởng về việc tạo ra một lớp mây bụi để ngăn ánh sáng Mặt Trời và cứu lấy Trái Đất.

Nhưng như đã nói, nghiên cứu mới chỉ trong giai đoạn đầu và còn rất nhiều lo ngại mà con người cần phải giải quyết trước khi tính đến việc thực hiện trên quy mô lớn. Đầu tiên chính là chi phí rải đám mây bụi và thứ hai là việc quản lý rủi ro khí hậu.

Bụi khi phát tán vào tầng bình lưu có thể phá vỡ tầng ozone đang bảo vệ con người khỏi tia cực tím nguy hiểm. Ngoài ra các nhà khoa học cũng lo ngại bụi sẽ làm gián đoán sự lưu thông của các dòng hài lưu.

Nguy hiểm hơn là bụi sẽ gián tiếp thay đổi cách vận hành của khí hậu, tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, tàn phá đất nông nghiệp, quét sạch các loài sinh vật và gây ra dịch bệnh.

Hơn nữa, bất kỳ sự thay đổi nào vệ nhiệt độ trung bình toàn cầu cũng sẽ dẫn tới những thách thức trong việc phân phối nhiệt trên toàn cầu. Ví dụ như một số nơi thì mát hơn còn một số vùng lại nóng hơn. Nó còn gián tiếp ảnh hưởng đến mô hình mưa trên thế giới. Nhiều chuyên gia khí hậu nhận định, ứng dụng công nghệ để chống biến đổi khí hậu là tốt nhưng nếu không kiểm soát được hết rủi ro, nó sẽ trở thành đại họa.

Chi phí rải bụi là một chuyện nhưng còn chi phí để duy trì lớp mây bụi đó qua nhiều năm và cách tắt hệ thống làm mát toàn cầu đó như thế nào chắc chắn không hề dễ dàng và các nhà khoa học sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể tìm ra được cách giải quyết.

Cập nhật: 17/08/2019 Theo vnreview
  • 4,33
  • 3.390