Bitcoin là gì?

Tổng quan về tiền ảo Bitcoin
  •   4,98
  • 14.986

Dự án “tiền tệ ảo thử nghiệm” này đang trở thành một trong những chủ đề nóng nhất của giới công nghệ cũng như giới kinh tế.

Buổi chiều 3/1/2009, với một cú bấm trên bàn phím máy tính, một nhà lập trình (hay một nhóm) dưới nickname Satoshi Nakamoto cho ra đời Bitcoin - một loại tiền tệ ảo thời công nghệ số. Bitcoin không tồn tại dưới bất cứ dạng vật chất nào, không giấy, không vàng cũng không bạc, chỉ đơn giản là các bit thông tin được tạo ra từ 31.000 dòng code. Bitcoin mang theo mong muốn trở thành một loại tiền tệ có thể vượt qua các hạn chế của tiền tệ vật chất, một loại tiền tệ thời công nghệ của tương lai.

Bitcoin là gì?

Bitcoin (ký hiệu: BTC, XBT) là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp, được phát hành bởi Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn mở từ năm 2009. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.

Sức hấp dẫn của Bitcoin

Toàn bộ hệ thống Bitcoin đều vận hành trên mã nguồn mở và dựa trên khả năng trung chuyển người với người (peer to peer), không có trung gian. Vì vậy, Bitcoin đáng tin cậy hơn các loại tiền tệ vật chất. Người ta không thể đánh cắp Bitcoin, cũng như không thể phá hủy được nó. Bitcoin cũng không phải chịu ảnh hưởng bởi nền tài chính của một quốc gia hay cơ sở hạ tầng đằng sau nền tài chính đó. Yếu tố biến Bitcoin thành một loại tiền tệ hấp dẫn là tính ẩn danh. Khi trao đổi Bitcoin, bạn không cần thiết để lộ danh tính của mình. So với việc trao đổi tiền tệ vật chất, Bitcoin quá lý tưởng cho thời kỳ mạng internet hiện đại.

Bitcoin có thể trở thành một loại tiền tệ chính thức của thế giới?
Bitcoin có thể trở thành một loại tiền tệ chính thức của thế giới? (Nguồn: ZACH COPLEY - FLICKR).

Hiện trên thế giới đang có phong trào “khai thác” Bitcoin. Để vận hành thuật toán “khai thác” đòi hỏi phải có khả năng xử lý từ máy tính, nhiều người đã lựa chọn giải pháp xây những “trại khai thác Bitcoin” với những cụm máy tính liên tục vận hành phần mềm Bitcoin. Những cụm máy tính này sử dụng chíp GPU của card đồ họa thay cho chip vi xử lý bởi tỉ lệ hiệu năng và chi phí tốt hơn.

Thậm chí, một loại phần cứng máy tính mới mang tên ASIC đã được chế tạo chỉ để dành riêng cho việc “khai thác” Bitcoin. Bitcoin cũng đang thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư kinh tế lớn, trong đó có cặp song sinh Winklevoss - vốn nổi tiếng từ trận chiến pháp lý với nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg. Những nhà đầu tư lớn cùng với những người tiên phong khai thác Bitcoin đang nắm giữ một lượng lớn số Bitcoin. Với tỉ giá hiện tại, 1 Bitcoin có thể quy đổi được 4500 USD, một con số kỷ lục (tính đến thời điểm ngày 18/8/2017).

Tiềm ẩn hiểm họa lừa đảo

Bitcoin cũng là những điểm yếu của nó. Điều thú vị nhất là cho đến thời điểm này vẫn không biết ai đứng đằng sau Bitcoin. Satoshi Nakamoto là một biệt danh rất có thể không phải của một mà là nhiều nhà phát triển giấu tên. Liệu khái niệm của Bitcoin có đáng tin hay không, không ai biết. Rất có thể Bitcoin là một trò lừa ngoạn mục và hàng triệu USD giá trị đó hoàn toàn không tồn tại. Trong khi đó, sự ẩn danh đằng sau các giao dịch của Bitcoin mở ra những hiểm họa về pháp lý. Nhiều người lo ngại sự tự do của Bitcoin sẽ vô tình tiếp tay cho các hoạt động phi pháp.

Nhưng điểm yếu lớn nhất của Bitcoin là sự non trẻ của nó. Hôm 11/4, một vài người sở hữu số lượng lớn Bitcoin quyết định cho đi khá nhiều Bitcoin, lập tức làm hạ giá đột ngột tỉ giá Bitcoin. Thị trường giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới là Mt.Gox cũng thông báo họ đang bị tấn công DDoS làm chậm và gián đoạn các giao dịch. Tỉ giá Bitcoin giảm từ hơn 200 USD xuống còn khoảng 100 USD.

Ngoài ra Bitcoin vẫn tiềm ẩn hiểm họa lừa đảo trên mạng. Một minh chứng là sau đợt tấn công DDoS, thị trường giao dịch Mt.Gox quyết định đóng giao dịch để bảo trì, lập tức hàng loạt các động thái lừa đảo xuất hiện, từ giả mạo trang web của Mt.Gox cho đến các email spam để dụ các chủ sở hữu Bitcoin. Các loại phần mềm độc hại nhắm vào việc chiếm đoạt Bitcoin cũng đang dần tăng về số lượng. Mã nguồn của Bitcoin vì là mã nguồn mở nên bất kỳ ai cũng có thể tìm cách “bẻ khóa” chúng. Nói chung, Bitcoin không phải là hoàn hảo và đòi hỏi phải có những biện pháp an ninh và quản lý dành riêng cho loại tiền tệ này.

Bitcoin không phải là hoàn hảo và đòi hỏi phải có những biện pháp an ninh và quản lý dành riêng cho loại tiền tệ này.
Bitcoin không phải là hoàn hảo và đòi hỏi phải có những biện pháp an ninh và quản lý dành riêng cho loại tiền tệ này.

Tương lai

Tuy vậy, Bitcoin vẫn được xem là có tiềm năng to lớn. Gần đây nhất, dịch vụ blog Wordpress tuyên bố sẽ nhận Bitcoin trong các giao dịch của mình. Wikileaks - tổ chức chuyên tung ra các thông tin mật, cũng đã chấp nhận các hiến tặng bằng Bitcoin để tránh bị chặn bởi các chính phủ có hiềm khích với tổ chức này. Silk Road, một dịch vụ buôn bán online cũng nhận Bitcoin làm tiền tệ giao dịch. Nhiều cá nhân cũng chấp nhận Bitcoin để trả công dịch vụ thiết kế, lập trình phần mềm... trên các diễn đàn việc làm tự do. Mặc dù vậy, vẫn không có nhiều dịch vụ hay công ty lớn chấp nhận Bitcoin.

Liệu Bitcoin đó có trở thành tiền tệ chung của mạng internet hay không, chỉ có thể chờ đợi câu trả lời trong tương lai.

Cách kiếm tiền Bitcoin

Mỗi Bitcoin chỉ có thể được tạo ra trong quá trình “khai thác” sử dụng một phần mềm vận hành trên máy tính. Phần mềm “khai thác” Bitcoin sẽ liên tục chạy để “tìm ra” một Bitcoin. Vấn đề là người vận hành phần mềm sẽ phải “đua” với nhau xem ai “tìm ra” Bitcoin trước. Cứ mỗi 10 phút sẽ chỉ có 25 Bitcoin được tạo ra trên toàn thế giới và con số này được lập trình để giảm đến 0 vào năm 2140. Các giao dịch sẽ được mã hóa sử dụng thuật toán SHA256, nghĩa là không có cách nào (hiện tại) để làm giả Bitcoin hay hack các tài khoản sở hữu Bitcoin.

Cập nhật: 18/01/2018 Theo NLĐ
  • 4,98
  • 14.986