Hội nghị đổi mới toàn diện cơ chế quản lý hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 15/12.
Gần 300 đại biểu - gồm đại diện các Bộ Tài chính, Nội vụ, Công thương... và các địa phương, các tổ chức khoa học, doanh nghiệp tiêu biểu cùng một số nhà khoa học hàng đầu - sẽ tham gia hội nghị đổi mới của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Hội nghị sẽ tổng kết các hoạt động trong 7 năm thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng chính phủ phê duyệt ngày 28/9/2004.
Đổi mới khoa học và công nghệ trong năm qua là động lực thúc đẩy các nhà
khoa học trong nước có nhiều nghiên cứu ứng dụng và thực tiễn. (Ảnh: Tiến Dũng)
Tại hội nghị, các nhà quản lý và khoa học cũng sẽ phân tích những khó khăn, tồn tại và tập trung xác định ngành khoa học công nghệ cần đổi mới gì và đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn sắp tới. Họ cũng đề xuất một số cơ chế đột phá trong quản lý, tổ chức và hoạt động khoa học công nghệ.
Sau 7 năm thực hiện Đề án, hoạt động khoa học và công nghệ ở nước ta đã có nhiều đổi mới và đóng góp thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực như: năng lực và tiềm lực khoa học của đất nước được nâng cao theo hướng hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, hàm lượng công nghệ trong sản phẩm tăng chất lượng, đội ngũ cán bộ khoa học tạo điều kiện tốt hơn về hạ tầng.
Song, theo nhận định của các chuyên gia, những thành tựu của khoa học và công nghệ đạt được trong những năm qua chưa mang tính hệ thống đồng bộ và vững chắc, chưa đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong giai đoạn mới.
Từ thực tế trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN” cho giai đoạn đến năm 2015. Đề án xác định nội dung chưa hoàn thành cần tiếp tục đổi mới và các vấn đề cần phải giải quyết, xác định rõ mục tiêu và các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.