Giáo sư Mỹ Michael Gershon đã khẳng định lại ý tưởng có thể gây nên những đảo lộn trong cách hình dung truyền thống về hoạt động trí não của con người. Quả thực là con người có hai mắt, hai tay, hai chân và hai bộ não: một ở trên đầu, còn một ở... dưới bụng!
|
Giáo sư Mỹ Michael Gershon (Ảnh: cnsfoundation) |
Giáo sư Gershon là một nhân vật được giới khoa học thế giới biết tiếng. Ông phụ trách bộ môn giải phẫu học và sinh học tế bào ở trường Đại học Tổng hợp Columbia (New York, Mỹ). Ông là một trong những người khai sinh ra lĩnh vực khoa học mới chuyên về thần kinh trong ổ ruột và dày công tìm kiếm những phương thức mới để nghiên cứu con người.
Những minh chứng cho lý thuyết mới của Giáo sư Gershon là các trạng thái hay căn bệnh, như tình trạng lo âu, khủng hoảng tâm lý, viêm loét, rối loạn đường ruột, bệnh Parkinson - tóm lại là những thứ biểu hiện cả ở trên hộp sọ lẫn trong đường ruột... những triệu chứng của các căn bệnh đó bộc lộ cả ở trong bộ não ở hộp sọ cũng như trong bộ não ở đường ruột như sự phản chiếu của hai tấm gương đối diện nhau, như những sự cố tâm lý gắn bó chặt chẽ với những sự cố về đường ruột và dạ dày.
Ai trong chúng ta chẳng có lần thấy bụng quặn thắt lại mỗi khi mình có chấn động tâm lý?
Gershon từng cho xuất bản cuốn sách
"Bộ não thứ hai" rất được phổ biến. Giờ đây ông còn khẳng định lại được giả thuyết cho rằng, hệ thống thần kinh của đường ruột không chỉ là một tập hợp thụ động các neutron và dây thần kinh chuyên thực hiện các mệnh lệnh truyền xuống từ não bộ, mà là một mạng lưới hết sức độc đáo có thể tự thực hiện những nhiệm vụ riêng.
Một điều đặc biệt là, đường ruột tiếp tục làm việc ngay cả khi không liên hệ được với não bộ và tủy sống.
"Bộ não thứ hai" đủ khả năng xử lý mọi vấn đề liên quan tới hệ tiêu hóa với những công cụ cũng
"chính danh" như não bộ. Điều này thêm một lần chứng tỏ sự anh minh của quá trình tiến hóa: thay vì bắt não bộ phải gồng mình lên lo lắng cho những vùng hẻo lánh, công việc đó được bàn giao cho hệ thần kinh trung ương
"đồn trú" ở ngay địa phương.
Cũng giống như não bộ số 1, não bộ số 2 cũng là một ngân hàng dữ liệu khổng lồ lưu giữ hàng triệu triệu những kết quả thử nghiệm thực tế để tạo nên một công năng siêu phàm có thể ứng xử với vô số những tình huống mới nảy sinh của thực trạng tiêu hóa. Não bộ số 2 luôn biết cách thu nhận những chất bổ dưỡng nhất từ những gì cơ thể đã thu nhận được.
Nguyễn Thụ