Bộ Tư pháp sẽ vào cuộc quản lý blog

  •  
  • 65

Theo Vụ trưởng Vụ phổ biến pháp luật Vũ Tất Viễn, Bộ Tư pháp sẽ cùng bàn luận với Bộ Văn hóa Thông tin để có giải pháp quản lý blog vì có nhiều lỗ hổng trong vấn đề này. Ý tưởng nhận sự ủng hộ của nhiều giới và sẽ sớm được thực thi.

Thực tế là thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nhận được nhiều lời phản ảnh, phàn nàn về những vấn đề tiêu cực nảy sinh từ môi trường nhật ký online như: blog sex, thông tin không lành mạnh, bôi xấu cá nhân khác...

Trong một trao đổi về vấn đề này, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin Vũ Xuân Thành cũng khẳng định Bộ sẽ sớm có thông tư điều chỉnh để tránh những tiêu cực của blog.

Hiện tại, tất cả các blog cá nhân đều hoạt động khá tự do mà không phải tuân thủ theo một quy chế bắt buộc nào về mặt nội dung. Các dịch vụ blog, mạng xã hội ảo, nhà quản lý thường phải tự đề ra quy chế riêng của mình cho các thành viên.

Ảnh minh họaNhà quản trị của dịch vụ web Ngôi Sao Blog, nơi tập trung hơn 24 nghìn thành viên và khoảng 63.000 bài viết, yêu cầu thành viên phải đồng ý với các quy định như: luôn giữ mình là một người văn minh, có văn hoá, không gửi hoặc để link hình ảnh mang tính khiêu khích, phản động hoặc có tính kích dục, không gửi bài viết, bình luận kích động, truyền bá ấn phẩm hoặc mất văn hoá. Với bất cứ vi phạm nào, tài khoản sẽ nhanh chóng bị khóa không báo trước.

"Để chặt chẽ trong khâu kiểm duyệt nội dung thông tin, chúng tôi buộc phải đọc hết các bài viết, thường xuyên thông báo đến member hoặc gửi thư riêng cho họ", Giám đốc điều hành Ngôi sao Blog Cao Mạnh Tuấn cho biết. "Tất nhiên, thi thoảng có sót vài nội dung không tốt nhưng độc giả phát hiện báo lại là chúng tôi xoá ngay. Hơn nữa, phong cách viết chung của các blogger sẽ khiến người khác tự hiểu là không được phép đẩy bài bậy bạ".

Tại Vietspace.net.vn, mạng xã hội ảo đang chạy thử nghiệm, có tới 67 nghìn thành viên và trung bình mỗi ngày thêm khoảng 150 - 200 người đăng ký mới. Ban quản trị của cộng đồng này cũng tự đề ra những quy chế như sẽ xóa bỏ những nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hoá và quy định của nhà nước Việt Nam. Đồng thời sử dụng công cụ giám sát (monitoring) trực tiếp cùng cộng tác viên cùng để kiểm soát nội dung.

"Sẽ rất tốt nếu có sự quản lý của các cơ quan chức năng và tôi nghĩ các mạng xã hội như Vietspace sẽ tuân thủ nghiêm túc những quy định được đề ra. Đó là vấn đề an ninh Internet, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ", ông Trần Hùng Cường, Giám đốc VietSpace, bình luận.

Ông Cao Mạnh Tuấn cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ và muốn được tham gia, tư vấn giúp đỡ cơ quan hữu trách trong soạn thảo văn bản pháp lý. "Khi người của Bộ Văn hóa Thông tin đặt vấn đề tìm hiểu nhu cầu, ý kiến của các blogger, chúng tôi đã sẵn sàng đáp ứng", Giám đốc điều hành Ngôi Sao Blog nói. "Xét về cơ bản, nhật ký mạng là những chuyện riêng tư, góc nhìn cá nhân của blogger đối với xã hội. VN đang mở cửa và hội nhập thì những ý kiến riêng đó cũng rất đáng quan tâm. Vấn đề là chúng ta ra luật để quản lý, tránh những sai trái, vi phạm pháp luật của những blogger cố tình vi phạm những nguyên tắc đạo đức và văn hóa".

Tuy nhiên, nhiều quan điểm từ các blogger hay giới chuyên môn cũng cho rằng rất có thể môi trường nhật ký mạng sẽ bị ảnh hưởng nếu người làm luật không tham khảo hoặc lấy ý kiến của blogger không đến nơi đến chốn. "Tôi cho rằng người làm luật phải có sự tổng hợp thông tin, 'quan sát' các vi phạm để rút kinh nghiệm và đưa các các chế tài hay quy định cho phù hợp với quyền tự do cá nhân", một blogger của Yahoo 360 mang nick Virgo nói.

Ở góc độ là một chuyên gia an ninh mạng, Giám đốc BKIS Nguyễn Tử Quảng cho rằng mỗi blog như một trang web nhưng do 1 cá nhân chủ trì. Vì thế, số lượng sẽ thiên biến vạn hóa hơn 1 website khiến việc quản lý cũng sẽ khó hơn. "Về kỹ thuật, nếu một blog vi phạm pháp luật thì có thể ngăn truy cập như với website, truy tìm chủ nhân nếu cần. Nhưng do số lượng nhiều và thường việc quảng bá blog thông qua kênh trực tiếp như gửi e-mail, tin nhắn... nên nếu chỉ biện pháp kỹ thuật là không đủ".

Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin cũng thừa nhận, việc đánh sập các blog đen không thể coi là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc xử lý vi phạm. Do đó, đề kháng lớn nhất chính là nâng cao nhận thức của người dùng, sao cho những nội dung đưa lên blog phải hợp lý.

* Tại Malaysia, Chính phủ dự định yêu cầu chủ nhân blog công bố danh tính để tránh những bình luận quá khích trong nhật ký.

* Trung Quốc đang soạn luật để quản lý blog vì lo ngại chủ nhân của nhật kí điện tử thể hiện các quan điểm cực đoan và phô bày ảnh "mát mẻ".

* Một hội thảo về nhật ký điện tử ở Anh cho rằng blog cũng cần phải tuân theo một khung luật pháp tương đương với báo chí nhưng dựa trên quy tắc chung của cộng đồng mạng chứ không nên bị chính phủ quản lý.

Nguyễn Hằng

Theo VnExpress
  • 65