Phiên bản thứ 13 của dòng bom hạt nhân B61 đang được Mỹ dự tính phát triển có sức mạnh gấp 24 lần so với quả bom từng phá hủy thành phố Hiroshima.
Ngày 27/10, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố muốn chế tạo một biến thể mới của bom trọng lực hạt nhân B61. Nó được gọi là B61-13, hay biến thể thứ 13 của dòng bom hạt nhân nổi tiếng này.
Một chiếc F-15 mang theo phiên bản mô phỏng của bom hạt nhân B61. (Ảnh: USAF).
Là dạng bom trọng lực, B61-13 được thiết kế để thả xuống từ máy bay chiến đấu, hoặc máy bay ném bom chuyên dụng. Điều này sẽ dẫn đến một vụ nổ nhiệt hạch và bụi phóng xạ có sức tàn phá lớn đối với con người, cũng như công trình dân sự, quân sự trong khu vực bị ảnh hưởng.
Trong khi bom nguyên tử là công nghệ đã có gần 80 năm tuổi, thì bom hạt nhân (hay bom nhiệt hạch) cũng có tuổi đời lên đến 60 năm. Biến thể đầu tiên của nó là B61 được sản xuất vào năm 1963. Nó tập trung vào sử dụng phản ứng tổng hợp hạt nhân của đầu đạn để tạo ra phản ứng gây nổ.
Trong số các biến thể bom hạt nhân B61, nhiều biến thể vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, bao gồm B61-3, B61-4, B61-7, B61-11 và B61-12. Với sự xuất hiện của B61-13, nó dự kiến sẽ thay thế kho dự trữ cho dòng B61-7 hiện có.
Bom hạt nhân B61-12 được thử nghiệm tại Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, Mỹ năm 2019 (Ảnh: Sandia National Laboratorie).
Giống như B61-13, B61-7 chỉ được thiết kế để sử dụng cho máy bay ném bom. Nó cũng có hiệu suất tương đương dòng B61-7, nhưng đi kèm thêm các tính năng an toàn, bảo mật và hệ thống dẫn đường quán tính, giúp tăng cường độ chính xác của dòng B61-12 hiện đang được sản xuất.
Ông John Plumb, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Chính sách Vũ trụ, cho biết: "B51-13 thể hiện một bước đi hợp lý nhằm giải quyết những thách thức của vấn đề an ninh quốc phòng".
Ông cũng cho biết, mặc dù B61-13 mang đến cho Mỹ sự bổ sung linh hoạt, nhưng việc sản xuất vũ khí này sẽ không làm tăng tổng số vũ khí hiện có trong kho dự trữ hạt nhân, bởi nó sẽ thay thế cho dòng B61-7 như đã đề cập.
Cách đơn giản nhất để mô tả sức mạnh của một quả bom hạt nhân, là căn cứ theo lực nổ (tương đương với TNT) được giải phóng khi nó phát nổ. Các biến thể B61-3, -4, -7 và -12 đều có năng suất quay số, tức là khả năng nổ của nó có thể được cài đặt tại thời điểm quả bom được đưa lên máy bay.
Con số này có thể chỉ đạt 0,3 tấn TNT và gây ra một vụ nổ nhỏ, hoặc lên tới 15 kiloton (15.000 tấn TNT) đối với quả bom Little Boy được thả xuống Hiroshima, hay 20 kiloton đối với quả Fat Man thả xuống Nagasaki.
Bom hạt nhân B61-13 mạnh gấp 24 lần bom phá hủy Hiroshima. (Ảnh minh họa: Getty).
Theo Popular Science, sức nổ tối đa của B61-4 và B61-12 có thể lên tới 50 kiloton. Tuy nhiên, B61-13 được cho là có sức công phá mạnh hơn rất nhiều. Quả bom này có thể tạo ra vụ nổ tối đa 360 kiloton, tức lớn gấp 24 lần quả bom được thả xuống Hiroshima, và gấp khoảng 18 lần quả bom từng khiến thành phố Nagasaki sụp đổ.
Ước tính, một quả bom B61-13 thế hệ mới nếu được điều chỉnh ở công suất tối đa, có thể giết chết khoảng 778.000 người, làm bị thương khoảng 1.045.000 người, và rò rỉ phóng xạ tới các vùng liên quan trong bán kính 350km.
Với sức mạnh khủng khiếp này, B61-13 được cho là sẽ tăng cường thêm khả năng răn đe của Mỹ dành cho các đối thủ, cũng như cung cấp cho Mỹ và các đồng minh thêm nhiều lựa chọn để công kích một số mục tiêu quân sự đặc biệt.
Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết nước này hiện có khoảng 5.200 vũ khí hạt nhân, thấp hơn so với con số 5.900 của Nga. Hiện, Mỹ có thể phóng đầu đạn hạt nhân thông qua nhiều phương tiện, gồm có: tên lửa phóng từ tàu ngầm, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bắn từ hầm chứa, hay bom hạt nhân hoặc tên lửa phóng từ máy bay.
Mặc dù vậy, chính quy mô và sức mạnh của vũ khí hạt nhân đã hạn chế việc sử dụng chúng trong tất cả các cuộc chiến tranh kể từ lần ra mắt tàn khốc của chúng vào tháng 8/1945.