Bốn loại cây ảnh hưởng đến cuộc sống nhân loại

  •  
  • 2.704

Bốn loại cây này không chỉ làm thay đổi cuộc sống hàng ngày của hàng trăm triệu người mà còn ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử của thế giới.

Cây thuốc lá

Cây thuốc lá bắt nguồn từ châu Mỹ và người đưa nó phổ biến trên thế giới chính là người châu Âu.

Ngày 12/10/1492, theo nhật ký hàng hải ngày đầu tiên cập bến châu Mỹ của Columbus, có ghi chép lại những lễ vật mà người dân bản xứ dâng tặng, trong đó, có một “loại lá khô màu vàng có mùi hương đặc biệt” - đó chính là thuốc lá. Tuy nhiên, khi đó, lá thuốc lá bị vứt trên sàn thuyền, không ai ngó ngàng tới.

Nửa tháng sau, thuyền của Columbus đến Cuba, các thủy thủ kinh ngạc phát hiện ra một số thổ dân đang hút những chiếc lá màu vàng được cuốn thành hình tròn, thỉnh thoảng nhả ra những làn khói đục. Một số thủy thủ bạo dạn nếm thử và trở thành dân nghiền thuốc lá đầu tiên của châu Âu.

Cây thuốc lá (Ảnh: caobangtrade)

Thuốc lá theo đoàn thuyền Columbus trở về châu Âu. Địa điểm đầu tiên cập bến trên hành trình là Tây Ban Nha, tiếp đến là Bồ Đào Nha và các khu vực khác của châu Âu. Năm 1580, thuốc lá được đưa vào Thổ Nhĩ Kỳ qua đường Bồ Đào Nha, tiếp đó lan truyền sang Iran, Ấn Độ, Nhật Bản...

Năm 1575, Tây Ban Nha vận chuyển cây thuốc lá đến trồng tại Philippines (thuộc địa của Tây Ban Nha khi đó) và nhanh chóng trở thành một sản phẩm hái ra tiền. Trước và sau năm 1600, những thủy thủ và thương nhân Trung Quốc đã đưa cây thuốc lá vào Trung Quốc. Đến năm 1620, thuốc lá đã trở thành một sản phẩm mang tính toàn cầu, phổ biến rộng rãi.

Một trong những nguyên nhân khiến thuốc lá được tiếp nhận rộng rãi là bởi hiệu quả dược liệu thần kỳ của nó. Tất cả các bác sĩ của châu Âu vào thế kỷ XVI đều sử dụng thuốc lá như một “thần dược”. Họ dùng nó để chữa trị bệnh đau răng, ký sinh trùng ruột, hôi miệng, bệnh uốn ván... và cả bệnh ung thư.

Còn có một cách nói mê tín rằng thuốc lá có thể trị liệu bệnh dịch hạch, thậm chí tại các trường công lập ở Anh mỗi buổi sáng dùng roi bắt học sinh hút thuốc lá để tránh bệnh này.

Ngày nay, khoa học hiện đại đã chỉ ra tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, là nguyên nhân gây ung thư phổi, vòm họng, rất nguy hiểm.

Cây chè – khởi nguồn của hai cuộc chiến tranh

Một loại thực vật khác ngoài thuốc lá khiến con người nghiện. Nhưng nó không hề có hại như thuốc lá đó là cây chè. Trung Quốc là quốc gia nắm bắt kỹ thuật sản xuất và gia công chè sớm nhất trên thế giới. Tuy nhiên, do luôn bị hạn chế giao dịch, uống trà chỉ hạn chế phổ biến tại Trung Quốc và một số quốc gia lân cận trong một thời gian dài.

Công đầu trong việc phổ cập cây chè trên toàn cầu phải kể đến những người Arập. Khoảng năm 850, người Arập biết đến chè Trung Quốc thông qua con đường tơ lụa. Năm 1559, họ đã du nhập chè vào châu Âu thông qua đường buôn bán Venice.

Khi đó, tại châu Âu, uống trà trở thành một phần trong sinh hoạt hàng ngày của tầng lớp quý tộc. Do giá thành cao, rất ít người được uống trà.

Cây chè

Cây chè (Ảnh: gongfu-tea.com)

Đến đầu thế kỷ XVII, Công ty East India của Anh là công ty duy nhất có tầm nhìn xa đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh chè. Công ty này đã mất thời gian là 66 năm để có được giấy phép kinh doanh thương mại chè với người Trung Quốc. Từ đó, hàng năm công ty này nhập khẩu 4.000 tấn chè từ Trung Quốc, nhưng chỉ có thể mua bằng bạc trắng. Khi đó, giá mỗi tấn chè nhập khẩu chỉ có 100 bảng Anh, nhưng Công ty East India bán ra với giá 4.000 bảng Anh/tấn, thu được lợi nhuận rất cao.

Tuy nhiên, bạc dùng để mua chè của Trung Quốc ngày một hiếm đi trên lãnh thổ Anh. Để đổi lấy bạc trắng, công ty này đã đưa thuốc phiện bất hợp pháp vào Trung Quốc. Hành động này đã tạo ra mối nguy hại lớn cho Trung Quốc và cuối cùng khiến cuộc chiến tranh thuốc phiện bùng nổ. Điều thú vị là, cuộc chiến tranh giành độc lập của Mỹ cũng bắt nguồn từ cây chè.

Từ giữa thế kỷ XIX đến nay, người Anh quyết định trồng cây chè tại Ấn Độ (khi đó là thuộc địa của Anh), nhằm tự sản xuất chè. Năm 1848, Công ty East India phái Robert Fortune – chủ quản Ban nhiệt độ phòng của Vườn Thực vật hoàng gia, một người có kinh nghiệm phong phú về thực vật sang Trung Quốc. Sau đó, Fortune mang về Anh 20 nghìn cây chè nhỏ, 17 nghìn hạt cây chè, cùng 8 thợ sản xuất chè và nông dân trồng chè người Trung Quốc.

Từ đó, chè Ấn Độ bắt đầu thay thế chè Trung Quốc trên sàn giao dịch thế giới. Đến năm 1890, chè Ấn Độ chiếm 90% thị trường chè của nước Anh. Trung Quốc đã thất bại trong cuộc chiến thương mại và gián điệp chè này.

Chè trở nên thịnh hành ở châu Âu, cuối cùng dẫn đến thay đổi thói quen sinh hoạt của người châu Âu, đặc biệt là người Anh. Đơn cử, 5 giờ chiều uống trà đã trở thành lệ quen thuộc trong gia đình Anh.

Cây mía – dẫn đến sự thay đổi cư trú của loài người

Uống trà dẫn đến tình trạng nhu cầu về đường tăng cao. Đường được sản xuất từ mía. Cây mía được phát hiện sớm nhất là ở châu Á. Trong khi người châu Á thưởng thức vị ngọt của đường từ mía, thì người châu Âu chỉ sử dụng mật ong.

Mía

Mía (Ảnh: Flickr)

Cho đến thế kỷ XI, đoàn kị sĩ Thập tự quân chinh phục phương Đông mới được nếm vị ngọt của đường tại Syria. Tại châu Âu khi đó chỉ có hoàng gia, quý tộc và quan lại cao cấp mới có đường trên bàn ăn. Đường được nhập khẩu với giá rất đắt.

Đường buôn bán trên biển mới được khai thông không lâu sau, các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bắt đầu trồng cây mía tại khu vực biển Caribean.

Đồn điền trồng mía mọc lên như nấm trên những hòn đảo này. Trên hòn đảo Barbados (khi đó là thuộc địa của Anh), một hòn đảo chỉ có diện tích 430km2, đã có hơn 900 đồn điền trồng mía. Năng suất sản xuất đường ngày một tăng khiến giá đường hạ xuống nhanh chóng và đường trở thành một sản phẩm thường dân.

Đường không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất thế giới, mà nó còn trực tiếp dẫn đến sự di cư vượt châu lục. Nhưng sự di cư này chủ yếu là việc mua bán nô lệ.

Không giống như chè, thuốc lá, công việc trồng cây mía vừa tốn thời gian lại tốn sức, nó cần có nguồn nhân lực lớn. Vì vậy, các quốc gia thực dân khi bắt đầu xây dựng đồn điền mía tại khu vực biển Caribean đã suy nghĩ đến vấn đề nhân lực trước tiên. Họ quyết định vận chuyển số lượng lớn lao động nô lệ châu Phi đến đây.

Kết quả, khu vực này vốn nhân khẩu toàn người Nam Mỹ đã không ngừng biến đổi theo sự phát triển của các đồn điền mía.

Khoai tây – cứu sống cả thế giới

Trong lịch sử loài người, khoai tây vì cứu sống được nhiều người mà đã làm thay đổi cả thế giới. Sản lượng khoai tây cao, thích hợp với mọi điều kiện thổ nhưỡng, sản xuất, hàm lượng tinh bột của nó cao, giàu giá trị dinh dưỡng... Với những ưu điểm trên, nó trở thành một loại nông sản quan trọng trên toàn thế giới.

Khoai tây bắt nguồn từ vùng núi Andeans thuộc Nam Mỹ và du nhập vào châu Âu bằng đường biển. Sau đó, nó được phổ cập tới các địa phương khác và trở thành nông sản lớn thứ 4 trên thế giới.

Mầm khoai tây

Mầm khoai tây (Ảnh: Gardenaction)

Sự xuất hiện của khoai tây đã bổ sung những thiếu hụt thực phẩm do sản xuất không đạt năng suất gây ra. Châu Âu thời Trung cổ chỉ cần một mẫu khoai tây và một con bò sữa cũng đủ nuôi cả nhà. Từ năm 1845-1847, một trận dịch bệnh héo úa thực vật hoành hành tại vùng Ireland, gần như phá hủy toàn bộ ngành trồng trọt khoai tây của vùng này.

Chỉ trong vòng 2 năm, hơn 1 triệu người chết vì đói, bệnh sốt Rickettsia (một loại bệnh lây nhiễm gây sốt, trên cơ thể mọc lên những đốm đỏ tím) và các bệnh dịch khác. Nó dẫn đến khiến hàng triệu người Ireland di cư sang Mỹ. Trong chiến tranh, tác dụng của khoai tây càng thể hiện rõ hơn.

Năm 1756-1763, châu Âu xảy ra cuộc “Chiến tranh 7 năm” (Seven Year's War). Cuộc chiến tranh xảy ra một bên là liên minh Pháp, Áo, Nga (đồng minh của họ là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Sachsen) với Prussia (đồng minh là Anh). Vì vậy, nó còn gọi là cuộc Chiến tranh 7 năm của Anh – Pháp.

Mặc dù Pháp, đế quốc Áo, Hungary nhiều lần xâm nhập Prussia, phá hủy nông trại và các cây nông sản trên mặt đất, nhưng người Prussia vẫn sống sót nhờ khoai tây dưới lòng đất. Các quốc gia này sau khi phát hiện ra tác dụng của khoai tây đã lập tức áp dụng các biện pháp trồng khoai tây trên lãnh thổ nước họ

Hoàng Hạnh

Theo Tân Hoa xã, CAND.com.vn
  • 2.704