Bón phân cho cây để... "cứu" khí hậu

  •  
  • 603

Có thể dùng phân đạm bón cho cây để khí hậu toàn cầu bớt nóng lên? Chất dinh dưỡng có thể là biện pháp khiến nguồn năng lượng mặt trời chiếu xuống làm trái đất nóng lên bị phản xạ lại vào vũ trụ. 

Một vườn tiêu năng suất cao của Việt Nam. Ảnh: Agro.gov.vn


Scott Ollinger, Trường ĐH New Hampshire, Durham và các đồng nghiệp đã đo nồng độ đạm dưới tán cây rừng ở 180 địa điểm trên toàn nước Mỹ, lấy mẫu là những cây có tuổi từ 15 đến 500 năm. Họ so sánh số liệu họ thu được với số liệu về suất phản chiếu - số năng lượng mặt trời phản chiếu lại từ các vùng khác nhau - do vệ tinh đo được và số liệu về lượng cacbon do rừng hấp thụ.

Ollinger cho biết: “Phát hiện chủ yếu của chúng tôi là, nồng độ đạm trong tán cây rừng là một chỉ tiêu rất tốt để xác định khả năng hấp thụ khí cacbonic, và những khu rừng có hàm lượng đạm cao luôn luôn phản chiếu bức xạ mặt trời nhiều hơn những khu rừng có hàm lượng đạm thấp.”

Từ đó nhóm các nhà nghiên cứu này rút ra kết luận: “Bón cây bằng phân đạm, hoặc đơn giản hơn, trồng những loại cây có hàm lượng đạm cao (ví dụ cây họ đậu) có thể góp phần vào việc chống thay đổi khí hậu (làm trái đất nóng lên). Về mặt lý thuyết là vậy nhưng cần nghiên cứu sâu hơn nữa trước khi phun dung dịch đạm từ máy bay xuống các khu rừng”.

Tuy nhiên, mối liên hệ giữa hàm lượng nitơ và suất phản chiếu vẫn là điều bí mật. Nitơ có thể làm thay đổi cấu tạo hoặc tính chất tế bào của lá cây, khiến cho chúng trở nên bóng hơn và phản chiếu những tia nắng mặt trời được nhiều hơn.

Nếu quả thật có sự liên quan giữa suất phản chiếu của một số loài cây và lượng đạm chứa trong lá thì các chính phủ phải có chính sách phát triển những loại cây này để phát huy tác dụng của chúng.

Kích thích sự phát triển của cây bằng cách bón đạm cũng có những mặt hạn chế. “Tăng lượng đạm trong đất cũng có tác dụng tiêu cực đối với môi trường. Một lượng bị rửa trôi khá lớn đi vào nguồn nước ngầm hoặc thoát ra ngoài không khí dưới dạng ôxit nitơ, mà bản thân nó chính là “khí nhà kính” cần phải hạn chế.

Các loại cây giữ được đạm cũng lại là loài cây cần nhiều nước. Phát triển chúng cũng có nghĩa là làm cho sông suối và nguồn nước ngầm khô cạn. “Mà khô cạn là một điều nguy hiểm lớn đối với nông nghiệp”
- Ollinger nói.

Federico Magnani, Trường ĐH Bologna (Italia) cũng theo đuổi đề tài này. Ông nói: “Bón phân đạm cho cây là điều trong thế kỷ này chúng ta buộc phải làm”. Năm 2007, Magnami đã chứng minh rằng chính ô nhiễm công nghiệp do xe hơi và phân đạm lại có tác dụng làm cho cây cối hấp thụ nhiều cacbon hơn. Ông bổ sung: “Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu cặn kẽ lợi hại, cân nhắc một cách toàn diện cả tác dụng tiêu cực và tích cực khi áp dụng bất cứ biện pháp nào, để quyết định các chính sách môi trường tốt nhất cho thế kỷ tới”.

Magnani và các đồng nghiệp đã đề xuất với Liên minh châu Âu nghiên cứu sâu rộng mối liên quan giữa việc bón phân đạm và hấp thụ khí thải cacbon. Nhóm của ông muốn nhằm vào hiệu quả của việc bón phân đạm trên quy mô quốc tế cho rừng và khả năng trồng những khu rừng mới tại những vùng đất mà sự ô nhiễm đạm do bón phân là một khâu trong hệ sinh thái.

Theo VietNamNet (Science Daily)
  • 603