Bốn thế giới ngoài hành tinh lộ diện thứ giống Trái đất: Sự sống tiềm năng?

  •  
  • 331

Tại nơi tưởng chừng như chết chóc của Hệ Mặt trời, các nhà khoa học vừa phát hiện ra bốn thế giới có khả năng ẩn giấu nơi trú ẩn ấm áp, thân thiện cho sự sống ngoài hành tinh.

Theo SciTech Daily, các nhà khoa học NASA đã phân tích lại bộ dữ liệu thú vị mà cặp đôi tàu vũ trụ Voyager của NASA thu thập được trước khi bay ra tận không gian giữa các vì sao. Nhờ đó, họ phát hiện ra điều rất thú vị ở 4 trong số 27 mặt trăng của sao Thiên Vương.

Đó là Ariel, Umbriel, Titania và Oberon, bốn mặt trăng có kích thước lớn của hành tinh xa xôi này.

Cấu trúc bên trong các mặt trăng sao Thiên Vương
Cấu trúc bên trong các mặt trăng sao Thiên Vương - (Ảnh: NASA).

Vùng không gian quanh sao Thiên Vương, hành tinh thứ bảy của Hệ Mặt trời, chắc chắn là cực kỳ lạnh giá. Tuy nhiên lớp vỏ băng của chúng, giống như một số mặt trăng sao Mộc hay sao Thổ, có thể là áo giáp tuyệt vời để lưu giữ một đại dương ngầm ấm áp.

Một mô hình đã được xây dựng với sự bổ sung dữ liệu từ các tàu vũ trụ khác của NASA từng hoạt động gần khu vực hoặc nghiên cứu các thế giới tương tự: Galileo, Cassini, Dawn và New Horizons.

Kết quả cho thấy 4 mặt trăng Ariel, Umbriel, Titania và Oberon không chỉ có lợi thế ở lớp vỏ băng, mà đường kính từ 1.160km đến 1.580km sẽ cho phép chúng giữ nhiệt bên trong bởi sự phân rã phóng xạ vùng lõi, cung cấp nguồn nhiệt tiềm năng trong lớp phủ đá mà tàu vũ trụ đã tìm thấy bằng chứng.

Giống như Trái đất, quá trình đó giải phóng nhiệt để nung nóng đại dương ngầm, giúp nước bên trong ở trạng thái ấm áp.

Chưa kể, chúng có khả năng chứa các chất có tác dụng chống đóng băng như clorua, amoniac và muối, cũng là những thứ tồn tại trong đại dương Trái đất.

Trong số 4 mặt trăng nói trên, các mô hình cho thấy Titania và Oberon là hai thế giới thú vị nhất, đại dương có thể đủ ấm để hỗ trợ sự sống.

NASA cũng khảo sát cả một mặt trăng khác là Miranda, nhưng rất tiếc tuy nó cũng có những yếu tố để sở hữu đại dương ngầm ấm áp như 4 mặt trăng kia, nhưng lại không có khả năng giữ đại dương của mình lâu. Các bằng chứng cho thấy nó bị mất nhiệt quá nhanh và đến thời điểm hiện tại có thể chỉ còn là một khối cầu băng.

Đây không phải lần đầu tiên thế giới chứa đựng sự sống tiềm năng được các nhà khoa học phát hiện.

"Khi nói đến các thiên thể nhỏ - hành tinh lùn và mặt trăng nhỏ - các nhà khoa học hành tinh trước đây đã tìm thấy bằng chứng tiềm năng về đại dương ở các nơi như hành tinh lùn Ceres, sao Diêm Vương, mặt trăng Mimas của sao Thổ..." - tiến sĩ Julie Castollo-Rogez từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Có những cơ chế đặc biệt mà các nhà nghiên cứu NASA cũng phải thừa nhận là chưa hiểu hết, do đó việc xác định thêm những thế giới tương tự như 4 mặt trăng của sao Thiên Vương là rất quý giá.

Các phát hiện cũng định hướng cho những sứ mệnh tương lai của NASA, nhất là các sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh mà họ dày công theo đuổi.

Ngheien cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Geophysical Research: Planets.

Cập nhật: 09/05/2023 NLĐ
  • 331