Bỏng

  •  
  • 625

Khi vào bếp nấu ăn, không cẩn thận lúc chiên món ăn bị dầu bắn vào tay, sau đó vết dầu bắn làm mụt nước rồi chuyển qua ngứa, về khuya ngứa nhiều và gây lở loét. Vậy có cách gì trị khỏi không? (Nguyễn Văn Triệu Phong)

(Ảnh: TTO)

- BS Nguyễn Đình Sang
(Chuyên khoa bác sĩ gia đình, TT Y tế quận I): Bỏng là tai nạn thường gặp trong sinh hoạt gia đình. Người ta thường chia bỏng ra làm 3 mức độ:

- Bỏng độ 1: bỏng chỉ tác động đến lớp biểu bì (là lớp da nông nhất ở trên cùng). Da chỉ bị ửng đỏ và tróc ra sau vài ngày (thí dụ như bỏng do tắm nắng ngoài bãi biển).

- Bỏng độ 2: bỏng tác động đến lớp chân bì tạo thành bóng nước nhưng một phần lớp chân bì vẫn còn nên da có thể tái tạo lại được, do đó khi lành thường không để lại sẹo nếu không bị bội nhiễm và diện tích bỏng lớn.

- Bỏng độ 3: lớp da bị phá huỷ hoàn toàn, có khi cháy tới cơ và xương.

Người ta còn phân loại bỏng theo diện tích cơ thể. Diện tích bỏng càng lớn thì mức độ càng nặng. Bỏng được coi là nặng khi diện tích bỏng> 20% diện tích cơ thể và bỏng sâu độ 3. Ngoài ra, người già, trẻ em thường diễn biến nặng hơn khi bị bỏng.

Bạn bị dầu bắn vào tay gây bỏng tạo bóng nước là bỏng độ 2. Khi bị bỏng nên:

- Nhúng tay vào vòi nước lạnh ngay lập tức hay đắp vết bỏng bằng gạc, khăn tay sạch có nhúng nước lạnh cho đến khi bớt đau.

- Băng lại bằng gạc vô trùng.

- Không được bôi lên vết bỏng các chất như kem đánh răng, nước mắm… vì có thể gây nhiễm trùng và thoát huyết tương nhiều hơn.

- Không được chích vỡ các bóng nước.

- Nếu bóng nước đã vỡ, rửa vết bỏng bằng dung dịch nước muối sinh lý, băng nhẹ vô trùng bằng gạc không có bụi hoặc để thoáng không băng nhưng phải giữ cho thật sạch để da dễ lành.

Dùng kháng sinh ngừa bội nhiễm, thuốc giảm đau (như paracetamol), chống ngứa (như chlorpheniramine 4mg uống tối 1 viên).

Theo Tuổi trẻ Online
  • 625