"Bóng ma" 560 triệu tuổi dưới đáy biển là… tổ tiên chúng ta

  •   32
  • 2.894

Các nhà khoa học đã tìm ra thế giới nơi thủy tổ của muôn loài, bao gồm chúng ta, từng trú ngụ. Không có hài cốt hóa thạch, chỉ có những bóng ma trên đá, vì một nguyên nhân đặc biệt.

Khoảng thời gian giữa 2 sự kiện bùng nổ sinh học lớn của Trái đất là "Vụ nổ" kỷ Cambri và Sự kiện đa dạng hóa sinh học vĩ đại, tức khoảng 560-443 triệu năm về trước, đại dương sơ khai đầy những sinh vật giống như những con giun kỳ quái, theo mô tả trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.

Một phiến đá còn in dấu "đường mòn" do các vị thủy tổ nhuyễn thể ghi lại hàng trăm triệu năm trước
Một phiến đá còn in dấu "đường mòn" do các vị thủy tổ nhuyễn thể ghi lại hàng trăm triệu năm trước - (ảnh: Luis Buatois).

Những sinh vật này, hầu hết là loài nhuyễn thể, đã không để lại bất kỳ mảnh xương, vỏ… nào trên Trái đất. Nhưng chúng để lại những "bóng ma" trên các phiến đá đáy biển cổ đại: những hình thù kỳ lạ như được điêu khắc vào đá, chủ yếu dưới dạng các hang hốc, lỗ khoan hay các rãnh ngoằn ngoèo. Ngày nay, quá trình kiến tạo mảng phức tạp của Trái đất đã đưa nhiều phiến đá loại đấy lên mặt đất, rải khắp địa cầu.

Nhóm nghiên cứu đa quốc gia, dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Luis Buatois từ Đại học Saskatchewan (Usask – Canada) khẳng định một chi tiết gây sốc hơn: những loài nhuyễn thể chỉ còn là "bóng ma" trên đá ấy chính là… tổ tiên của chúng ta, và hầu hết động vật hiện đại trên Trái đất.

Các dấu vết lạ là "bóng ma" trên đá, chứng minh sự tồn tại của những sinh vật không thể có hóa thạch
Các dấu vết lạ là "bóng ma" trên đá, chứng minh sự tồn tại của những sinh vật không thể có hóa thạch - (ảnh: Luis Buatois).

Những "vị tổ tiên" này có thân thể hoàn toàn là mô thịt, nhanh chóng thối rữa và hòa tan vào môi trường sau khi chết. Đó là một trong các lý do hình dạng thực của các "thủy tổ" vẫn là bí ẩn. Hầu như chỉ có thủy tổ của các sinh vật có vỏ như các con ốc, nghêu, hay các loài giáp xác khác là được lưu giữ lại hình dáng, nhờ phần vỏ cứng hóa thạch.

Nhưng một cách gián tiếp, các phiến đá mà nhóm nghiên cứu đã mất 20 năm để đi tìm khắp thế giới này đã giúp xây dựng lại hình dáng của các tổ tiên nhuyễn thể - phần liên kết bị mất. Những sinh vật này, với số lượng đông đảo ngoài sức tưởng tượng, có thể là dân số đông nhất đại dương cổ đại. "Họ" đi chuyển trên đá hàng đàn đến nỗi tạo nên những "đường mòn" ngoằn ngoèo, cũng như đào rất nhiều hang động siêu nhỏ để trú ngụ.

Theo các tác giả, việc xây dựng hệ thống hang động trong đá này là cách các sinh vật đang tiến hóa để cải thiện hệ sinh thái, từ đó sinh sôi nảy nở và tự tìm ra nguồn tài nguyên mới cho giống loài.

Các vùng biển đầy sinh vật sống dạng này nằm xen giữa các vùng biển chết chóc, cằn cỗi, cho thấy đại dương cổ đại cũng có các vùng nước giàu oxy xen lẫn với các vùng nước "khó thở" như đại dương ngày nay.

Theo tiến sĩ Buatois, hiểu được những thay đổi trong đại dương sơ khai giúp bổ sung những chi tiết quan trọng trong bản đồ tiến hóa, cũng như đối mặt với các thách thức nảy sinh với sự sống trong các đại dương hiện đại.

Cập nhật: 19/08/2020 The NLĐ
  • 32
  • 2.894