Cá cảnh khoe sắc

  •  
  • 1.205

Các chuyên gia trong nước chuẩn bị giới thiệu những loài cá độc đáo được nuôi tại Việt Nam với thế giới

Đôi cá dĩa da rắn, khác màu
Đôi cá dĩa da rắn, khác màu (Ảnh: NLD)
Từ ngày 1 đến 4-9, Festival Sinh vật cảnh quốc tế do Hội Sinh vật cảnh TPHCM tổ chức lần thứ nhất sẽ có sự góp mặt của nhiều chuyên gia nghiên cứu về cá cảnh trên thế giới như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc...

Cá tây, cá ta

Ông Nguyễn Văn Lãng, Chủ tịch Hội Cá cảnh TPHCM, cho biết TPHCM hiện sở hữu khoảng 4.000 loài cá quý hiếm. “Hiện nay, hội có 1.250 hội viên, mỗi hội viên sở hữu ít nhất 3 loài cá. Đó là chưa kể những người giàu... cá, có thể có đến vài chục loài” - ông Lãng khẳng định. Cá cảnh TPHCM không chỉ đa dạng về chủng loại mà mỗi loại cũng đa dạng về hình dáng, màu sắc. Những loài cá cảnh ngoại nhập trước đây chỉ nghe tên nay đã được nhân giống ở TPHCM như: cá dĩa, cá la hán, cá xiêm, cá phướn... Chỉ với loài cá dĩa, một loài cá ngoại nhập có xuất xứ từ sông Amazon bên Nam Mỹ, từ 3 màu xanh, nâu và chấm đỏ nguyên thủy, nay đã hội tụ khoảng 30 màu sắc khác nhau. Cạnh đó, hàng loạt loại cá cảnh thuần Việt cũng được giới chơi cá ưa chuộng như cá lia thia ruộng, cá vàng ba đuôi...

Những loài cá “huyền thoại

Theo nhận định của giới chơi cá cảnh tại TPHCM, những loài cá “huyền thoại” trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam như: cá long; cá dĩa bạch tuyết, cá dĩa da rắn... Cá long có 5 loài: ngân long, kim long, hồng long, huyết long và hắc long. Quê hương của cá long là miền đất Nam Mỹ. Nói về huyền thoại của loài cá này, ông Nguyễn Văn Lãng cho rằng: “Văn hóa Á Đông coi rồng là một trong tứ linh long, ly, quy, phượng. Nuôi cá long trong nhà để trấn giữ biên ải, đem lại nhiều điều may mắn
”. Cá long cảnh đắt, trước đây giá nhập một con lên tới chục ngàn USD, nay đã giảm nhiều nhưng vẫn ở mức cao. Cá long có tên trong sách đỏ thế giới, và muốn mua bán chỉ được mua bán từ thế hệ thứ 2 với điều kiện phải có “giấy khai sinh” của Cơ quan Bảo vệ động vật hoang dã.

Loài cá dĩa cũng được ưa chuộng bởi cách sinh nở rất đặc biệt của chúng. Cá dĩa là loài cá duy nhất nuôi con bằng sữa. Nếu không có sữa mẹ, loài cá này sẽ không thể sống được.

Môi trường tốt

Hiện nay, một làng nghề sinh vật cảnh với diện tích 500 ha đã được hình thành tại Củ Chi-TPHCM. “Nhiệt độ nóng ẩm, thời tiết và khí hậu nhiệt đới của Việt Nam rất thích hợp với việc nuôi, cho giao phối, sinh sản các loài cá cảnh” - ông Trương Hoàng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM, cho biết. Không chỉ những loài cá “bình dân” như chép Nhật Bản, cá mô li mà những loài cá khó tính về sinh sản cũng tỏ ra thích nghi nhanh với thời tiết Việt Nam. Chẳng hạn, 4 năm trước khi cá la hán mới vào Việt Nam, giá rất đắt nhưng loài này sinh sản tốt tại Việt Nam nên hiện nay giá cá la hán đã giảm xuống khá nhiều.

Tìm hiểu công nghệ nuôi cá cảnh

Ông Trương Hoàng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM, thừa nhận giống cá mới, màu cá mới tại Việt Nam vẫn chưa theo kịp nhiều nơi trên thế giới, bởi kỹ thuật nuôi và chuyên môn hóa nuôi cá cảnh của người Việt chưa cao. “Festival Sinh vật cảnh quốc tế lần này, ngoài việc trưng bày cho các quốc gia biết nguồn cá cảnh phong phú của nước ta, chúng tôi cũng muốn người nuôi cá trong nước học hỏi thêm kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá cảnh chuyên nghiệp của các nước khác” - ông Hoàng nói. Được biết, festival lần này sẽ có 60 đơn vị nuôi cá cảnh trong nước tham gia tìm hiểu công nghệ nuôi cá cảnh.

Theo Người lao động
  • 1.205