Cả thế giới cùng đàm thoại miễn phí với Skype

  •  
  • 343

"Tối nay Skype nhé", những câu nói như thế ngày càng trở nên quen thuộc, cho thấy tên công ty chuyên về dịch vụ VoIP nổi tiếng nhất hiện nay đã được động từ hóa và phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người sử dụng Internet.

Skype có trụ sở tại Luxembourg và văn phòng ở London và Tallinn (thủ đô Estonia). Gần đây, hãng đấu giá trực tuyến eBay đã mua lại Skype với mức giá mà nhiều người cho là quá đắt: 2,6 tỷ USD, cộng thêm 1,5 tỷ tiền thưởng nếu đạt được mục tiêu họ đề ra vào năm 2008.

Phần mềm Skype cho phép mọi người vào mạng và tạo cuộc gọi miễn phí với chất lượng âm thanh không hề thua kém điện thoại truyền thống. Chương trình được phát triển bởi những người xây dựng công nghệ trao đổi file ngang hàng Kazaa (Niklas Zennström và Janus Friis), truyền dữ liệu giữa 2 máy tính đầu cuối thay vì đi qua máy chủ. Tuy nhiên, Zennström cho biết: "Skype hoàn toàn khác Kazaa bởi nó cho phép ta liên lạc trực tiếp tới mọi máy điện thoại. Phần mềm này đã cắt xén rất nhiều nguồn thu của các hãng viễn thông lớn, những đối tượng vẫn còn đang khai thác công nghệ lạc hậu”.

Sau hai năm ra đời, Skype đã có khoảng 46 triệu người đăng ký sử dụng trên toàn cầu, nhiều hơn bất cứ nhà cung cấp dịch vụ VoIP nào khác. Hãng miễn phí mọi cuộc gọi giữa hai máy tính (PC-to-PC) nhưng vẫn thu cước dịch vụ gọi tới số điện thoại cố định và di động thông thường (SkypeOut).

Lược sử Skype
23/4/03: Tên miền Skype.com và Skype.net được đăng ký.
29/8/03: Bản Beta đầu tiên ra mắt.
15/6/04: Ra mắt bản thử nghiệm 0.98.0.28 đầu tiên hỗ trợ SkypeOut.
27/7/04: Phiên bản 1.0 cho Windows.
20/10/04: Lần đầu tiên đạt 1 triệu người sử dụng cùng lúc.
10/3/05: SkypeIn Beta ra mắt.
11/3/05: 1 triệu người dùng SkypeOut và tổng số 29 triệu người đăng ký.
15/4/05: Đạt lượt tải thứ 100 triệu.
19/6/05: Ghi nhận 10 tỷ phút cuộc gọi.
9/05: SkypeOut bị cấm tại Trung Quốc.
18/10/05: eBay mua Skype với giá 2,6 tỷ USD.

Không như những cuộc gọi đường dài quốc tế từ điện thoại truyền thống được tính cước theo khoảng cách giữa hai quốc gia, SkypeOut tính toán dựa trên sự phát triển tương đối của một nước, khối lượng cuộc gọi đến và đi, cộng thêm một số chi phí phụ. Theo cách này, người dùng SkypeOut sẽ trả số tiền như nhau cho cuộc gọi tới Hà Nội, dù họ đang sử dụng máy tính ngay tại thủ đô Việt Nam hay từ Mỹ. Giá thành gọi đến những nước thuộc “thế giới thứ nhất” hiện nay là 0,02 USD/phút và được thanh toán qua thẻ tín dụng, séc hoặc dịch vụ trực tuyến như PayPal và Moneybrookers. Tiền đặt cọc là 12 hoặc 24 USD và sẽ tự động hết hạn sau 180 ngày không sử dụng.

Trong khi đó, với SkypeIn, người dùng có thể đăng ký thuê bao một số điện thoại cố định. Nếu bạn bè của họ không dùng Skype và quay số này, họ vẫn nhận được cuộc gọi trên Skype tại bất cứ đâu. Như thế, khi bạn đăng ký số ở Chicago, nhưng lại đang đi du lịch Paris, người thân tại Chicago vẫn gọi được cho bạn và chỉ phải trả cước nội hạt. Bản Beta ra mắt tháng 3 hỗ trợ khách hàng đăng ký tới 10 số của Anh, Mỹ, Pháp, HongKong, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Estonia với giá 35 USD trong 12 tháng hoặc 12 USD cho 3 tháng. Cùng công bố ngày 10/3 là SkypeVoicemail, cho phép để lại tin nhắn bằng giọng nói nếu người sử dụng Skype không online hoặc đang trong cuộc gọi khác.

Ngoài ra, Festoon là một tính năng phụ của Skype, hoạt động trên máy tính dùng hệ điều hành của Microsoft với phiên bản Internet Explorer 5.0 trở lên. Với Festoon, khách hàng có thể thực hiện cuộc gọi video trong nhóm từ 2 - 200 người và chia sẻ các ứng dụng, bảng tính, ảnh… với nhau.

Skype được tải miễn phí trực tiếp từ trang web công ty, hoạt động trên Windows 2000, Windows XP, Windows CE (Pocket PC), Mac OS X và GNU/Linux.

Tại Việt Nam, Skype chưa được nhiều người sử dụng do không hỗ trợ tiếng Việt và cũng chỉ khai thác được tính năng PC-to-PC.

Theo hãng nghiên cứu Gartner, năm 2009 sẽ có khoảng 1/3 người Mỹ và châu Âu từ bỏ đường điện thoại truyền thống và chuyển sang điện thoại băng thông rộng không dây như một sự thay thế giá rẻ. Cũng trong năm này, 70% đàm thoại trên toàn thế giới sẽ được thực hiện qua kết nối vô tuyến. Skype sẽ vẫn là dịch vụ được ưa chuộng rộng rãi dù Gartner dự đoán sẽ có thêm nhiều điện thoại cố định tích hợp VoIP xuất hiện.

VoIP cũng đang tìm đường thâm nhập vào hệ thống tin nhắn nhanh (IM). Trong đợt nâng cấp Yahoo! Messenger lên bản 7.0, hãng dịch vụ trực tuyến lớn nhất thế giới chủ yếu tập trung vào tính năng điện thoại Internet, tối ưu hóa chất lượng âm thanh qua kết nối băng thông rộng và quay số. "Sau e-mail và IM, VoIP đang mở ra chương thứ ba cho những ứng dụng phổ biến trên mạng toàn cầu", Frazier Miller, Giám đốc Yahoo Messenger, khẳng định.

Tương tự, quân bài chiến lược khi giới thiệu Google Talk của hãng tìm kiếm số một hiện nay cũng là hội thoại bằng giọng nói, đặt công ty vào thế đối đầu trực tiếp với Skype.

Chủ tịch Microsoft Bill Gates tuần trước tuyên bố: "Thời đại VoIP đã bùng nổ, bởi vậy chúng tôi muốn mọi ứng dụng của tập đoàn trên máy tính đều có thể kết nối vượt ra ngoài phạm vi truyền thống”.

Ra mắt lặng lẽ và ít người biết đến, VoiceVNN của VASC không thu phí đàm thoại giữa hai máy tính từ hơn một năm nay. Gần đây, Trung tâm viễn thông Thế hệ mới VN (VNGT) cũng trình làng dịch vụ Voice 777 miễn phí cuộc gọi PC-to-PC. Khác với thẻ điện thoại quốc tế FoneVNN, SnetFone, Net2Call, chỉ cần hai máy tính kết nối Internet tốc độ cao và sử dụng tài khoản Voice 777, mọi người có thể nói chuyện "xuyên đại dương" mà không phải băn khoăn về giá cả. Hơn thế, không như Skype, khách hàng của VNGT còn được phép sử dụng những thiết bị như modem tích hợp của Zoom hoặc IP Phone để tạo cuộc gọi dễ dàng như với điện thoại thông thường mà không cần đến PC.

Theo VnExpress
  • 343