Mặc dù virus cúm A ở gia cầm thường không lây nhiễm cho người nhưng từ năm 1997 đã có nhiều trường hợp người bị nhiễm virus cúm gia cầm; những trường hợp đó thường do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh hay các bề mặt bị ô nhiễm (mặt đất, mặt nước).
Điều kiện để đại dịch cúm gia cầm bùng phát
|
Virus H5N1 |
Còn nhiều điều chưa biết rõ về ảnh hưởng của các típ phụ (subtypes) và các chủng virus cúm gia cầm đến con người, ví dụ các chủng virus có khả năng gây bệnh thấp và khả năng gây bệnh cao đã tác động khác nhau đến sức khỏe con người như thế nào.
Vì quan tâm đến tiềm năng lây nhiễm rất lớn ở con người cho nên những người có thẩm quyền trong ngành y tế phải theo dõi chặt chẽ sự bùng phát bệnh cúm gia cầm ở người. Con người bị nhiễm virus cúm A gia cầm đã được phát hiện từ năm 1997 nhưng không có trường hợp nào lây truyền từ người sang người; tuy nhiên vì virus cúm A có tiềm năng biến đổi và lan truyền dễ dàng cho nên việc theo dõi hình thái lây nhiễm giữa con người trở nên rất quan trọng.
Cho tới nay, sự lây truyền virus H5N1 từ người sang người vẫn còn hiếm và chưa vượt quá 1 người. Các nhà khoa học lo ngại rằng virus H5N1 một ngày nào đó có thể lây nhiễm và lan truyền dễ dàng từ người sang người, lại ít hay chưa tạo được kháng thể để bảo vệ thì khi đó đại dịch sẽ bùng phát.
Tổng kê những trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở người Những trường hợp được xác định là virus cúm gia cầm đã lây nhiễm cho người kể từ năm 1997: - Năm 1997, ở khu hành chính đặc biệt Hong Kong, virus cúm A H5N1 đã lây nhiễm cho cả gia cầm và người. Đây là trường hợp đầu tiên người ta thấy virus cúm A lây nhiễm trực tiếp từ chim sang người.
Trong đợt bùng phát bệnh này có 18 người phải nhập viện và 6 người dã chết. Để kiểm soát sự bùng phát bệnh, nhà chức trách Hong Kong đã tiêu hủy khoảng 1,5 triệu con gà để triệt nguồn bệnh. Các nhà khoa học đã khẳng định rằng sự lan truyền virus chủ yếu từ chim sang người, hiếm khi có sự lây nhiễm từ người sang người.
- Năm 1999, ở Trung Quốc và Hong Kong, nhiễm virus cúm gia cầm A H9N2 có khả năng gây bệnh thấp đã tìm thấy ở 2 trẻ em và gây ra bệnh cúm không có biến chứng. Cả 2 bệnh nhân đều khỏi bệnh và không có thêm trường hợp nào nữa.
|
Virus tip A |
Nguồn bệnh không rõ nhưng có bằng chứng cho rằng gia cầm là nguồn lây và phương thức truyền bệnh chính là từ chim sang người. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người cũng chưa thể loại trừ. Nhiều trường hợp nhiễm H9N2 khác nữa ở người đã được Trung Quốc thông báo trong năm 1998-1999.
- Năm 2002, ở bang Virginia (Mỹ), sau đợt bùng phát virus cúm H7N2 ở gia cầm đã tìm thấy bằng chứng nhiễm H7N2 qua xét nghiệm huyết thanh ở một người.
- Năm 2003, lại vẫn ở Trung Quốc và Hong Kong, có 2 trường hợp nhiễm virus cúm A H5N1 có khả năng gây bệnh cao xảy ra ở 2 thành viên gia đình Hong Kong đã từng đi du lịch ở Trung Quốc. Một người qua khỏi, một người tử vong. 2 người này bị lây nhiễm như thế nào và ở đâu không xác định được. Một thành viên gia đình khác đã chết vì bệnh hô hấp ở Trung Quốc nhưng không được làm xét nghiệm.
- Năm 2003, ở Hà Lan, bùng phát cúm A H7N7 ở gia cầm của nhiều trang trại. 89 người xác định bị nhiễm virus cúm H7N7 phối hợp với sự bùng phát ở gia cầm. Phần lớn xảy ra ở những người chăn nuôi gia cầm. 78 trường hợp nhiễm virus H7N7 nhưng chỉ bị đau mắt đỏ, 5 trường hợp đau mắt đỏ và có biểu hiện giống như cúm với ho, sốt và đau cơ; 2 trường hợp chỉ giống như cúm...
Trong số 89 trường hợp có 1 tử vong, xảy ra ở một bác sĩ thú y sau khi đến thăm một trang trại có cúm gia cầm, có biểu hiện của hội chứng suy hô hấp cấp. Đa số bệnh nhân là do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhiễm bệnh nhưng phía Hà Lan cho biết có thể có 3 trường hợp lây nhiễm từ người chăn nuôi gia cầm sang người thân trong gia đình. Từ đó không có thêm báo cáo nào về trường hợp nhiễm H7N7 giữa người với người.
- Năm 2003, một cháu bé bị nhiễm virus cúm A H9N2 có khả năng gây bệnh thấp được xác nhận ở Hong Kong; cháu bé đã phải nhập viện và đã hồi phục.
- Năm 2003, phát hiện một bệnh nhân ở New York có các triệu chứng về hô hấp và xét nghiệm xác nhận bị nhiễm virus cúm A lúc đầu nghi là H1N1 nhưng sau đã xác nhận lại là bệnh nhân đã bị nhiễm virus cúm A H7N2 từ gia cầm.
- Năm 2004, nhiều người chăn nuôi gia cầm ở Canada đã bị nhiễm virus cúm A có khả năng gây bệnh cao H7N3 phối hợp với vụ bùng phát ở gia cầm nhưng bệnh do H7N3 gây ra chỉ có biểu hiện nhẹ là nhiễm khuẩn mắt.
- Năm 2004 và 2005 đã có nhiều đợt bùng phát virus cúm gia cầm H5N1 có khả năng gây bệnh cao ở Thái Lan, Việt Nam và nhiều nơi khác ở á châu và đã được tổ chức y tế thế giới xác nhận.
Những triệu chứng của cúm gia cầm ở người? Có thể là những triệu chứng giống như cúm (sốt, ho, đau họng, đau cơ) cho đến đau mắt đỏ (viêm màng tiếp hợp), viêm phổi, suy hô hấp cấp, viêm phổi do virus và nhiều biến chứng nghiêm trọng đe dọa sinh mạng khác.
Thuốc chống virus cúm hiện nay có hiệu quả như thế nào? 4 loại thuốc chống virus cúm là amantadine, rimantadine, oseltamivir và zanamivir được Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận để điều trị cúm, 3 loại thuốc được công nhận để dự phòng. Cả 4 loại thuốc đều có tác dụng chống virus cúm A.
Tuy nhiên, đôi khi các chủng virus cúm có thể trở nên kháng thuốc, do đó các thuốc không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Ví dụ phân tích một số virus H5N1 phân lập từ gia cầm và từ người ở Á châu đã cho thấy rằng virus đã kháng với 2 loại thuốc là amantadine và rimantadine. Việc theo dõi virus cúm A gia cầm kháng thuốc vẫn còn đang tiếp tục.