Các loại khoáng giúp da tươi sáng

  •  
  • 1.263

Để da khỏe, giữ độ đàn hồi, trẻ trung, bạn nên ăn các thực phẩm giàu magiê như đậu nành, cá, trái cây khô, các loại hạt có dầu, rau xanh.

Mặc dù chỉ với một hàm lượng rất nhỏ nhưng muối khoáng đóng vai trò “chìa khóa” giúp chúng ta có được làn da đẹp, tươi sáng.

Tăng lực bằng magiê và kali

Để chống lại stress và ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường, làn da cần được cung cấp một nguồn năng lượng đầy đủ. Nói đến việc kiến tạo năng lượng cho cơ thể chính là nói đến magiê, chất có tác dụng hoạt hóa khoảng 350 các men chuyển hóa (enzym), tất cả vitamin nhóm B, một số chất đạm. Magiê kích thích hệ miễn dịch bảo vệ các cơ quan, giúp tế bào chống lại những tác động xấu từ bên ngoài và ngăn cản sự xâm nhập của các kim loại nặng từ khói ô tô và các nhà máy thải ra.

Da mềm mại, co giãn chủ yếu nhờ các chất tạo keo và chất đàn hồi ở dưới da. Magiê bảo tồn nồng độ vitamin E, cái bẫy tiêu diệt các gốc tự do (các chất độc sinh ra trong cơ thể qua quá trình sống), kẻ gặm nhấm các chất tạo keo và chất đàn hồi ở dưới da.

Nhu cầu magiê cho một người trưởng thành trong một ngày khoảng hơn 300 mg tương, đương uống 1 lít sữa ăn, hay một khúc cá, một nắm lạc và bốn lát bánh mì. Một trong những nguồn cung cấp magiê tốt nhất là muối khoáng. Thức ăn giàu magiê nhất là đậu nành, cá, trái cây khô, các loại hạt có dầu, rau xanh. Trong chocolate có magiê nhưng lại khó được hấp thu, dường như bởi sự có mặt của các chất béo no.

Kali cũng giống như natri, mang điện tích dương, đóng vai trò căn bản trong việc phân phối nước trong cơ thể. Kali kích thích sự trao đổi chất và cân bằng quá trình giữ nước. Nếu thiếu kali, da sẽ bị khô, nứt chân chim. Da bị khô, nhăn là do thiếu nước, lớp chất tạo keo ít, chất đàn hồi ở dưới da kém làm da khô và nhăn nheo như da cừu. Các nếp gấp giữa mũi và môi sâu hơn, rãnh nhăn nhiều hơn.

Kali được đưa vào cơ thể qua thực phẩm, nhu cầu khoảng 2-6g/24 giờ, có nhiều trong bột đậu nành, trái cây khô, hạt có dầu, chuối, rau tươi, ngũ cốc.

Chống nhăn nhờ selen và silic

Selen đã được công nhận là chống chất gốc tự do mạnh. Cùng với vitamin E, selen chống lại một cách hiệu quả các gốc tự do và bảo vệ làn da khỏi sự tàn phá của tia cực tím. Silic có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và làm giảm mụn trứng cá. Việc sử dụng kết hợp 200 mg selen và 10 mg vitamin E hằng ngày trong vòng 6-12 tuần sẽ cải thiện khá nhiều các mụn trứng cá trên mặt và ngoài da. Hơn nữa, selen còn tham gia vào quá trình sản xuất, duy trì tinh dịch và duy dưỡng tuyến tiền liệt ở nam giới. Qua đó, nó gián tiếp giữ gìn làn da mịn màng thông qua các nội tiết tố.

Selen được kết hợp với chất đạm nên người ta thấy có nhiều trong thịt, cá, trứng và ngũ cốc. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, liều tối ưu cần thiết mỗi ngày vào khoảng 200 mg.

Một nguyên tố vi lượng khác có tính dinh dưỡng bảo vệ da là silic - một trong những chất cấu tạo nên mô liên kết, có tác dụng làm tăng lực đàn hồi của lớp biểu bì, giữ da luôn mềm mại, căng bóng và giữ cho móng, tóc không bị gãy. Theo tuổi tác, hàm lượng silic trong cơ thể giảm dần, làm cấu trúc của thành mạch máu và của da suy kém dần. Lượng silic cần cung cấp từ thức ăn vào khoảng 21-56 mg/ngày. Silic có trong một vài loại nước khoáng, bia, ngũ cốc toàn phần như lúa mì, hạt kê, yến mạch, lúa mạch, lúa gạo.

Làn da khỏe mạnh và sạch sẽ nhờ kẽm

Kẽm có trong tất cả các loài vật sống, rất cần thiết cho quá trình tổng hợp gene chứa thông tin trong tế bào, giúp hoạt hóa khoảng 80 các men chuyển hóa. Kẽm có tác dụng định mức chuẩn tỷ lệ chất bã nhờn, giúp liền sẹo nhanh và chống lại sự tấn công của các gốc tự do, của một số chất độc, một số kim loại nặng và cho ta một làn da khỏe mạnh và sạch sẽ.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà kẽm có mặt trong hầu hết các mỹ phẩm chữa trị da nhờn và có mụn. Khoảng 60-70% thanh niên không được cung cấp đủ kẽm.

Thiếu hụt kẽm sẽ làm da khô, móng dễ gãy, mọc chậm và có những vết trắng. Nhu cầu cung cấp kẽm trong 24 giờ được khuyên vào khoảng 12-15 mg cho người trưởng thành. Thức ăn giàu kẽm nhất là con hàu. Kẽm còn có nhiều trong gan, sò, thịt đỏ, cá, óc động vật, trứng. Trong thực vật, kẽm cũng có hàm lượng đáng kể nhưng lại khó hấp thu vào cơ thể.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
  • 1.263