Các nhà khoa học chia rẽ về lỗ hổng khổng lồ xuất hiện ở Nam Cực

  •  
  • 2.132

Một lỗ hổng rộng khoảng 40.000km2, được hình thành ở giữa Nam cực, vào mùa Đông châu Úc (từ tháng 7 đến tháng 8), đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu về khí hậu trên thế giới. Ý kiến của giới khoa học khá chia rẽ về hiện tượng này, từng có lần được biết đến vào năm 1974.

Lỗ hổng hình tròn này rộng ít nhất 40.000km2 (tương đương diện tích Thụy Sĩ hoặc bằng 1/8 tổng diện tích Việt Nam), thậm chí một số hãng tin còn cho rằng lỗ hổng này có diện tích lên tới 80.000km2, đã được phát hiện vào tháng trước nhờ các hình ảnh vệ tinh. Theo thông tin từ nhật báo Le Temps của Thụy Sĩ, lỗ hổng này nằm ở biển Weddell, phía Tây Bắc châu Nam cực.

Lỗ hổng khổng lồ
Lỗ hổng khổng lồ.

Trong khi một số viện nghiên cứu liên hệ trực tiếp hiện tượng này với tình trạng nóng lên toàn cầu, chuyên gia khí hậu Heinz Wanner, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu Oeschger tại Berne (Thụy Sĩ) lại khẳng định, "đối với ngành nghiên cứu khí hậu, những liên hệ nhân quả như thế này rất khó xác định". Nhà khoa học này cũng cho rằng cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để có thể khẳng định mối liên hệ giữa hiện tượng ở Nam cực này và tình trạng nóng lên toàn cầu.

Đối với nhiều nhà khoa học, lỗ hổng này gọi là “polynie” (theo tiếng Pháp) là một khu vực băng hoặc một lớp băng rất mỏng nằm giữa khối băng rộng lớn. Nguyên nhân gây ra lỗ hổng này vẫn chưa được lý giải một cách rõ ràng, có thể do tác động của dòng hải lưu, áp lực gió mạnh hay độ dày của băng. Theo nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu về biến đổi khí hậu Oeschger, "trong trường hợp của lỗ hổng ở biển Weddell, đây chắc chắn là sự tan chảy của băng chủ yếu do sự gia tăng nước nóng dưới lớp băng. Một dòng hải lưu chuyển động đi lên đã làm tan chảy lớp băng từ bên dưới".

Các nhà khoa học từng biết đến hiện tượng “polynie” nhưng hiếm khi nó đạt đến quy mô lớn như vậy, đặc biệt là ở ngoài khơi. Hiện tượng tương tự từng được biết đến xảy ra vào năm 1974, cũng trong khu vực này. Lỗ hổng đó rộng 300.000km2, đã biến mất 40 năm sau đó, trước khi xuất hiện trở lại vào năm ngoái trong một vài tuần, sau đó lại quay trở lại một lần nữa vào năm nay, rộng hơn đáng kể so với lỗ hổng xuất hiện năm ngoái.

Theo các nhà khoa học đang nghiên cứu hiện tượng này, vẫn còn quá sớm để quy kết hiện tượng này xảy ra là do tình trạng nóng lên toàn cầu. Nhưng ngược lại, băng tan chắc chắn có ảnh hưởng đến nhiệt độ của nước và do đó, ít nhất có ảnh hưởng đến khí hậu ở khu vực đó. Dù thế nào chăng nữa, mối liên hệ giữa “polynie” và biến đổi khí hậu vẫn là trọng tâm của các cuộc tranh luận về hiện tượng này, cả trong giới khoa học và trên các mạng xã hội.

Cập nhật: 26/10/2017 Theo TTXVN/Vietnam+
  • 2.132