Các nhà khoa học tại Đại học Kỹ thuật quốc gia sông Đông (DSTU) của Nga đã cùng các nhóm khoa học quốc tế phát triển khái niệm “giờ địa phương” để mô tả dòng chảy thời gian trong các hệ vật lý khác nhau.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Foundations.
Bà Nadezhda Krasiy, Phó giáo sư Khoa Toán cao cấp tại Đại học Kỹ thuật quốc gia sông Đông (DSTU), cho biết bản thân thời gian là không thể định nghĩa được. Con người chỉ có thể cảm nhận và đo lường dòng chảy của thời gian.
on người chỉ có thể cảm nhận và đo lường dòng chảy của thời gian. (Ảnh minh họa).
Các tác giả của công trình nghiên cứu cho rằng, ý tưởng ban đầu về thời gian đã nảy sinh ở tổ tiên của loài người khoảng ba triệu năm trước trong quá trình quan sát sự thay đổi thường xuyên của khoảng thời gian sáng và khoảng thời gian tối trong ngày (ngày - đêm). Sau đó, loài vượn nhân hình cổ đại đã nhận thấy các giai đoạn của Mặt trăng và những thay đổi trong các hiện tượng tự nhiên liên quan đến các giai đoạn đó. Người đầu tiên tính số ngày giữa hai lần trăng tròn đã tạo ra thước đo đầu tiên để đo thời gian.
Theo lý thuyết được các nhà nghiên cứu đưa ra, thời gian là một loại dòng chảy độc lập, thay đổi theo những quy luật riêng và chuyển động theo một quỹ đạo phụ thuộc vào các quy luật đó. Điều này có nghĩa là dòng chảy thời gian có thể tăng tốc, chậm lại và thậm chí thay đổi tùy theo điều kiện.
“Trên thực tế, bất kỳ quá trình nào được nghiên cứu trong một khoảng thời gian nhất định là sự kết hợp giữa quá trình được nghiên cứu trực tiếp và dòng thời gian đi kèm. Hơn nữa, khái niệm thời gian trong quá trình này không trùng với thời gian thiên văn và chỉ phụ thuộc vào tiến trình và những thay đổi xảy ra trong quá trình này”, nhà nghiên cứu Nadezhda Krasiy cho biết.
Trong dự án này, các chuyên gia tự đặt ra cho mình nhiệm vụ kết nối khái niệm trừu tượng về thời gian với các quá trình vật lý cụ thể. Để làm được điều này, họ đã sử dụng công cụ toán học để xác định “giờ địa phương” bằng cách sử dụng những vật thể hình học đơn giản. Bằng cách này họ có thể so sánh mô hình toán học với kinh nghiệm của con người đo thời gian hàng ngày.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng những phương pháp trong nhiều lĩnh vực toán học khác nhau: hình học đường cong, hình học Riemann, lý thuyết phương trình vi phân, lý thuyết xác suất và các biến ngẫu nhiên.
Các thí nghiệm đã chỉ ra rằng, trong một số mô hình toán học có thể đưa ra một khái niệm định lượng về “giờ địa phương” phản ánh thứ tự của các sự kiện. Thời gian này được xác định dựa trên một tập hợp các phép đo có thứ tự với các đại lượng khác nhau được thực hiện tại cùng một thời điểm.
Nhờ đó, định nghĩa toán học về “giờ địa phương” do các nhà khoa học đề xuất không chỉ cho phép mô tả những đặc tính của các hiện tượng quan sát được mà còn giúp dự đoán sự phát triển của chúng.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Đại học Kỹ thuật quốc gia sông Đông (DSTU) và Đại học Nova de Lisboa (Bồ Đào Nha).