Các nhà nghiên cứu dùng tia vũ trụ quét Đại kim tự tháp Giza

  •  
  • 350

Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu sẽ tạo ra ảnh chụp cắt lớp của kim tự tháp cổ đại nặng gần 6 triệu tấn để khám phá những phòng chứa bía mật bên trong.

Một nhóm nhà khoa học sẽ quét Đại kim tự tháp Khufu ở Giza bằng hạt muon trong tia vũ trụ. Họ muốn xem xét kim tự tháp kỹ hơn trước đây và lập bản đồ cấu trúc bên trong của công trình. Nỗ lực này có tên nhiệm vụ Khám phá Đại kim tự tháp (EGP).

Đại kim tự tháp Giza là một trong 7 kỳ quan cổ đại.
Đại kim tự tháp Giza là một trong 7 kỳ quan cổ đại. (Ảnh: Khan Academy)

Nhiệm vụ sẽ sử dụng chụp cắt lớp bằng hạt muon để chụp ảnh bên trong công trình. Hệ thống kính viễn vọng muon của EGP sẽ mạnh gấp 100 lần dự án ScanPyramids vào năm 2016 - 2017. "Chúng tôi sẽ chụp ảnh muon từ gần như mọi góc và lần đầu tiên tạo ra ảnh chụp cắt lớp thực sự của một công trình lớn như vậy thay vì ảnh hai chiều", các nhà nghiên cứu EGP cho biết.

EGP sẽ sử dụng cảm biến kính viễn vọng rất lớn dịch chuyển quanh các vị trí khác nhau bên ngoài Đại kim tự tháp. Máy dò sẽ được lắp ráp trong container điều hòa nhiệt độ để dễ dàng vận chuyển. Mỗi thiết bị dài 12 m, rộng 2,4 m và cao 2,9 m. Quá trình mô phỏng sẽ sử dụng hai kính viễn vọng muon, mỗi kính viễn vọng bao gồm 4 container.

EGP vẫn đang chế tạo nguyên mẫu kính viễn vọng và xác định kỹ thuật xử lý dữ liệu mà họ sẽ sử dụng. Đồng thời, họ đang lập mô phỏng và tiến hành những công việc khác nhằm chuẩn bị cho nhiệm vụ. Việc sử dụng kính viễn vọng đặt ngoài Đại kim tự tháp trên cao nguyên Giza có thể tạo ra ảnh chụp có độ phân giải cao hơn nhiều do số lượng lớn hạt muon được phát hiện.

Muon là hạt cơ bản tương tự electron nhưng lớn hơn nhiều. Chúng được sử dụng trong chụp cắt lớp do có khả năng xuyên sâu vào các cấu trúc, sâu hơn cả tia X. Hạt muon trong tia vũ trụ được tạo ra khi những hạt mang năng lượng cao đâm vào khí quyển Trái Đất. Tia vũ trụ gồm proton và hạt nhân nguyên tử thường xuyên truyền từ Mặt Trời, bên ngoài hệ Mặt Trời và dải Ngân Hà tới Trái Đất. Khi các hạt này va chạm với khí quyển Trái Đất, quá trình sản sinh những cơn mưa hạt thứ cấp, trong số đó có muon.

Hạt muon không ổn định và phân rã chỉ trong vài micro giây hoặc vài phần triệu của một giây. Nhưng chúng di chuyển nhanh gần bằng vận tốc ánh sáng, có thể xuyên sâu vào vật thể trước khi phân rã. Nguồn hạt muon từ tia vũ trụ dội xuống Trái Đất là vô tận. Chụp cắt lớp bằng hạt muon có nhiều ứng dụng khác nhau như kiểm tra container chở hàng. Các thành tựu gần đây trong ngành này dẫn tới ứng dụng mới. Ví dụ, những nhà khoa học Italy sẽ sử dụng chụp cắt lớp bằng hạt muon để chụp ảnh bên trong núi lửa Vesuvius nhằm tìm hiểu khi nào ngọn núi sẽ phun trào lần nữa.

Đại kim tự tháp Giza đã tồn tại từ thế kỷ 26 trước Công nguyên. Đây là ngôi mộ của pharaoh Khufu hay còn gọi là Cheops. Quá trình xây dựng kéo dài khoảng 27 năm. Công trình được xây với 2,3 triệu khối đá, kết hợp đá vôi và đá granite, nặng khoảng 6 triệu tấn. Trong hơn 3.800 năm, đây là công trình nhân tạo cao nhất thế giới. Những gì chúng ta thấy ngày nay chỉ là cấu trúc lõi nằm bên dưới của Đại kim tự tháp. Lớp vỏ đá vôi màu trắng nhẵn mịn đã bị mài mòn theo thời gian. Kim tự tháp và nền đất bên dưới bao gồm nhiều phòng và hành lang. Phòng đặt hài cốt pharaoh Khufu nằm ở trung tâm của kim tự tháp.

Cập nhật: 03/03/2022 Theo VnExpress
  • 350