Các vị thuốc từ ổi

  •  
  • 1.848

Ổi (Psidium guiava L.), gốc Trung Mỹ, thuộc họ Sim Myrtaceae. Tiểu mộc 3m - 6m. Phì quả to, có thứ gọi là ổi xá lị, có thể nặng đến 930 g, nạc trắng hoặc phớt hồng khi chín.

Nước ta còn có loài ổi nhỏ như ổi kiểng (P.cujavillus Burnf.) quả nhỏ 2cm - 3,5cm, nạc hường, hột nhiều và ổi sẻ (P. littorale Raddi.), phì quả tròn, nhỏ 2,3cm - 3cm, nạc như dâu tây, hột nhỏ...

Quả ổi được xem như một trái cây bổ dưỡng nhưng nghèo năng lượng (tốt cho người muốn giảm cân), nguồn cung cấp các vitamin A và C. Đa số vitamin tập trung trong phần thịt sát với lớp vỏ mỏng bên ngoài quả. Ổi được dùng ăn tươi hay chế tạo thành bánh, kem và nước giải khát, thạch jelly.

Về tác dụng trị tiêu chảy của lá ổi đã được công nhận trong nhiều nghiên cứu lâm sàng, dược học. Lá ổi được chính thức ghi trong Dược điển Hà Lan, dùng làm thuốc trị tiêu chảy.

- Trong một nghiên cứu lâm sàng về tác dụng trị tiêu chảy ở 62 trẻ em bị tiêu chảy, sưng ruột do siêu vi (rotaviral enteritis), thời gian lành bệnh ghi nhận là 3 ngày (87,l%), rút ngắn tương đối rõ rệt so với nhóm đối chứng.

- Một nghiên cứu tại Brazil ghi nhận liều nước chiết từ lá ổi 8 micro gram/ml có hoạt tính chống lại simian rotavirus gây tiêu chảy (82,2%).

- Một nghiên cứu tại Thái Lan, dùng bột lá ổi để trị 122 người tiêu chảy đều cho kết quả tương đương tetracyclin với liều lượng như nhau (500 mg).

Về tác dụng trị bệnh đường ruột, các flavonoid loại quercetin trong lá ổi có hoạt tính trên sự bài tiết acetylcholin trong ruột, kích thích cơ trơn ruột giúp giảm những cơn đau bụng do cơ trơn của ruột co thắt. Ngoài ra, lá ổi còn tác động vào sự tái hấp thu nước nơi ruột. Các lectin trong lá ổi có thể gắn vào E. coli (vi khuẩn thường gây ra tiêu chảy), ngăn chặn vi khuẩn hấp thu vào vách trong của ruột và do đó ngăn ngừa được sự nhiễm trùng ruột.

Về tác dụng kháng sinh, kháng siêu vi và diệt nấm gây bệnh, trong phòng thí nghiệm, các trích tinh từ lá và vỏ thân có tác dụng sát khuẩn đối với các vi khuẩn như Staphylococcus, Shigella, Salmonella, Bacillus, E.coli, Clostridium và Pseudomonas...

- Dịch chiết từ lá ổi bằng nước muối 1:40 có tác dụng diệt Staphylococcus aureus.

- Nước ép tươi từ lá ở nồng độ 66% có hoạt tính diệt siêu vi Tobacco mosaic.

- Nước trích từ lá ngăn chặn được sự tăng trưởng của các nấm Trichophyton rubrum, T.mentagrophytes và Microsporum gypseum...

Một nghiên cứu tại Jordan ghi nhận tác dụng ngăn chặn sự phát triển các mụn trứng cá do các vi khuẩn loại Propioni bacterium acnes gây ra: Tuy không bằng các kháng sinh doxycyclin và clindamycin nhưng có thể hiệu nghiệm trong các trường hợp mụn trứng cá lờn kháng sinh và không dùng được kháng sinh.

Về tác dụng trên hệ tim mạch, có nghiên cứu tại Brazil ghi nhận dịch chiết từ lá ổi có nhiều hoạt tính trên hệ tim mạch và có hiệu quả dùng để trị các trường hợp tim loạn nhịp. Lá ổi còn có tác dụng chống ô xy hóa có lợi cho tim, bảo vệ tim, và cải thiện các chức năng của tim.

Về tác dụng hạ đường huyết:

- Nghiên cứu tại Hàn Quốc ghi nhận hoạt tính ức chế men protein tyrosine hosphatase 1B của dịch chiết lá ổi. Hoạt tính này cho thấy nước lá ổi thử trên chuột có tác dụng trị đái tháo đường type 2.

- Trong một nghiên cứu tại Đài Loan trên chuột, nước ép từ quả ổi tươi chích qua màng phúc mạc với liều 1g/kg giúp làm hạ đường huyết tạo ra bởi alloxan, như vậy ăn ổi tươi cũng có thể hữu ích cho người đái tháo đường.

- Một số nhà nghiên cứu đã kết luận: Ổi tươi, chứa lượng cao các chất xơ hòa tan (pectin) và không hòa tan) có thể giúp hạ đường huyết một cách an toàn... 

Theo Thầy thuốc & sức khỏe
  • 1.848