Cách ăn mì tôm không gây hại sức khỏe

  •   3,73
  • 2.671

Việc thay đổi cách chế biến mì gói có thể khiến món ăn này trở nên lành mạnh và ngon miệng hơn.

Dù tiện lợi và ngon miệng, mì gói gây nhiều lo lắng khi làm tăng nguy cơ béo phì, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Tổng năng lượng trung bình trong một gói mì thông thường khoảng 350 calo. Mỗi gói chứa 6,9 g đạm, 13 g chất béo, 51,4 g tinh bột và 1 g chất xơ.

Huấn luyện viên An Nguyễn (Hà Nội) đánh giá hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm này khá hợp lý với khẩu phẩn ăn một ngày.

Tuy nhiên, đa số mì ăn liền được chiên qua dầu ăn trước khi đóng gói. Do đó, 48% lượng chất béo trong thành phần dinh dưỡng là loại bão hòa (Saturated Fat). Theo An Nguyễn, đây là dạng chất béo không tốt với cơ thể khi nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và gây béo phì.

Ngoài ra, các gói gia vị bên trong mì ăn liền chứa nhiều chất chống oxy hóa cùng hàm lượng muối natri cao. Việc nạp quá nhiều các chất này có thể gây một số bệnh liên quan gan, thận, huyết áp và tích trữ nước trong cơ thể.

Điểm hạn chế của mì gói là lượng chất xơ khá ít (1 g). Huấn luyện viên này cho hay mức chất xơ cần thiết của phụ nữ là 25 g/ngày và 38 g/ngày với đàn ông.

An Nguyễn nhận định mì gói có hại cho sức khỏe và gây thiếu hụt dinh dưỡng. Tuy nhiên, món ăn vẫn cung cấp các chất dinh dưỡng và không gây hậu quả nghiêm trọng nếu chúng ta sử dụng với tần suất thấp, đồng thời thay đổi cách chế biến, kết hợp các thực phẩm khác.

Thay đổi cách chế biến có thể khiến mì gói lành mạnh và ngon miệng hơn.
Thay đổi cách chế biến có thể khiến mì gói lành mạnh và ngon miệng hơn. (Ảnh minh họa: Kitchen Hoskins).

Huấn luyện viên An Nguyễn cho biết: "Thành phần chính trong gia vị của mì ăn liền là bột ngọt. Khi mì được đun sôi, cấu trúc của bột ngọt sẽ bị biến dạng và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Ngoài ra, sợi mì ăn liền sau khi chiên được phủ một lớp dầu mà cơ thể cần khoảng 4-5 ngày để tiêu hóa hết".

Do đó, huấn luyện viên này gợi ý chúng ta nên chần qua mì bằng nước sôi trước khi ăn. Việc làm này sẽ giúp loại bỏ lớp dầu chiên xung quanh sợi mì. Phần nước chần mì sẽ được bỏ đi và thay thế bằng nước mới khi ăn.

Một lưu ý khác là chúng ta chỉ nên sử dụng khoảng 1/2-2/3 gói gia vị để tránh tình trạng quá mặn. Thông thường, các gói gia vị này sẽ được cho khá nhiều nhằm tăng hương vị.

Ngoài ra, để đảm bảo dinh dưỡng, An Nguyễn khuyến cáo mọi người nên chế biến riêng trứng, thịt, cá, tôm và rau xanh để bổ sung vào mì gói nếu có điều kiện.

Thông qua phương pháp này và duy trì tập luyện thể dục, thể thao với tần suất 3-4 buổi/tuần, chúng ta có thể hạn chế nguy cơ béo phì và những tác hại khác của mì gói đến cơ thể.

Cập nhật: 15/10/2020 Theo Zing
  • 3,73
  • 2.671