Cách phân biệt chòm sao và nhóm sao

  •   52
  • 687

Chòm sao (constellation) và nhóm sao (asterism) là hai khái niệm khá khó phân biệt. Trong nhiều năm, hai khái niệm này không được phân biệt rõ ràng dẫn đến những nhầm lẫn, thiếu chính xác.

Chòm sao là tập hợp các nhóm sao

Nhóm sao (asterism) là một khái niệm tổng quát, nó chỉ tất cả nhóm các ngôi sao bất kỳ với những đường nối tưởng tượng tạo thành một hình ảnh bất kỳ. Những hình ảnh tạo thành bởi các ngôi sao này có thể của một nền văn hóa lớn nào đó, cũng có thể từ một cách phân chia của một tác giả bất kỳ, hay thậm chí chỉ là quy ước vui cho chính mình trong trí tưởng tượng của các em nhỏ.

Như chúng ta biết, số lượng sao trên thiên cầu mà con người nhìn được bằng mắt thường trong một đêm chỉ có hơn 6.000 (nếu điều kiện lý tưởng), và khoảng 20.000 sao nếu tính tổng số sao có thể nhìn thấy trong một năm.

Ảnh mô phỏng chòm sao trong vũ trụ.
Ảnh mô phỏng chòm sao trong vũ trụ.

Nói cách khác dễ hiểu hơn, toàn bộ bầu trời của chúng ta gần như là cố định (có thay đổi do chuyển động của Hệ Mặt trời quanh tâm thiên hà và sự sinh ra/chết đi của một số ngôi sao nhưng rất rất nhỏ), có nghĩa là dù ở bất cứ khu vực nào, nền văn hóa nào và trí tưởng tượng ra sao thì số sao trên thiên cầu và sự sắp xếp chúng luôn là như nhau với người quan sát.

Khi một người quan sát bằng trí tưởng tượng của mình, tự nối các ngôi sao sáng tương đối gần nhau lại và gán cho chúng một hình ảnh nào đó cụ thể, nhóm các ngôi sao đó trở thành một “asterism”.

Ban đầu, khi loài người chưa phát triển, nhận thức của nhân loại chỉ phụ thuộc vào một số nhà khoa học nhất định, các nhóm sao được nối lại này cũng hầu hết thuộc về các nhà tư tưởng, nhà khoa học có tiếng nên các “asterism” này được gọi chung là các chòm sao (constellation).

Tuy nhiên, cho tới đầu thế kỷ 20, khi quy ước và sự phân chia các chòm sao được các nhà thiên văn thống nhất thì khái niệm chòm sao (constellation) trở nên chặt chẽ hơn.

Theo quy ước hiện đại, chòm sao (constellation) không chỉ là các đường nối tưởng tượng giữa các ngôi sao sáng, mà mỗi chòm sao đại diện cho một vùng trời nó chiếm chỗ.

Theo quy ước chung của thế giới ngày nay, danh sách các chòm sao của chúng ta có 88 chòm sao, chúng chia thiên cầu thành 88 vùng trời có diện tích và hình dạng khác nhau. Bất cứ ngôi sao nào (kể cả các sao sau này được phát hiện thêm qua các kính thiên văn) thuộc một vùng trời của một chòm sao nhất định đều được tính là thành viên của chòm sao đó.

Những hiểu lầm

Như vậy, chòm sao (constellation) là một tập hợp của nhóm sao (asterism), và trong khoa học thiên văn ngày nay, chỉ có danh sách chòm sao là được công nhận chính thức. Như đã định nghĩa, nhóm sao (asterism) có thể do bất cứ ai từ bất cứ nền văn hóa nào, ngành nghề nào tưởng tượng ra, nên số lượng của chúng là vô hạn. Dưới đây, tôi xin nêu vài ví dụ tiêu biểu về các nhóm sao (asterism) thường bị hiểu sai ở Việt Nam.

Nhóm 7 ngôi sao sáng phía Bắc hợp thành hình một cái ghế (hay một số người thấy giống cái gầu nước) thuộc chòm sao Ursa Major (Gấu lớn/Đại hùng) tương ứng với một chòm sao phương Đông là Bắc Đẩu. Nhiều người lại nhầm rằng Bắc Đẩu và Gấu lớn là một, song thực tế nhận định đó không đúng.

Chòm sao Ursa Major có rất nhiều sao và chiếm một vùng trời rộng hơn Bắc Đẩu của phương Đông rất nhiều, 7 ngôi sao của Bắc Đẩu chỉ là những sao sáng nhất của nó. Trong văn hóa phương Tây, người ta cũng chỉ có một khái niệm chỉ 7 ngôi sao này là Big Dipper. Big Dipper và Bắc Đẩu thì mới trùng nhau và ngày nay chúng là asterism chứ không phải constellation.

Cụm sao M45, còn có tên riêng là Pleiades chiếm một vùng khá lớn trên bầu trời, nó là cụm sao có thể nhìn rõ ràng nhất bằng mắt thường. Một số tài liệu ở Việt Nam dịch nó là “chòm sao thất tinh”, đây là một cách dịch dễ gây hiểu nhầm vì nó không được công nhận trong danh sách 88 chòm sao của thiên văn học hiện đại ngày nay. Về mặt phân loại thiên thể, nó là một cụm sao (star cluster) - một khu vực có nhiều sao liên kết trực tiếp với nhau bởi hấp dẫn, còn về mặt biểu kiến thì nó cũng là một nhóm sao (asterism).

Nhóm sao Thần Nông, gồm phần lớn các sao thuộc chòm sao Scorpius (một trong số các chòm sao Hoàng Đạo) thành Thần Nông, trong khi các sao của chúng lại không trùng nhau.

Thần Nông chỉ là một nhóm sao do người Việt cổ trước đây hay gọi, vì các sao không tương ứng nên nó không tương ứng với Scorpius (Bọ Cạp), vì vậy nó chỉ là một nhóm sao chứ không phải chòm sao, và vì thế tất nhiên không thể nói nó thuộc Hoàng Đạo.

Chòm sao Cung Thủ (Sagittarius) là một trong số các chòm sao Hoàng Đạo, thường được gọi là chòm sao Nhân Mã, xuất phát từ cách gọi tên của các nhà thiên văn Việt Nam trước đây. Chòm sao này có hình một nhân mã đang giương cung, tuy vậy cách gọi này bộc lộ một vấn đề do nó trùng tên và dễ gây nhầm lẫn với chòm sao Centaurus cũng mang hình một nhân mã. Các tác giả Việt Nam khắc phục lỗi này bằng cách cho thêm từ “bán” vào phía trước tên của chòm Centaurus, tức là tên khi đó là “Bán Nhân Mã”.

Điều cần nói là cụm từ “bán nhân mã” không có nghĩa, vì hình ảnh nhân mã rất đầy đủ chứ không phải một nửa. Thứ hai là để thống nhất với thế giới thì chúng ta nên quan tâm đến sự thống nhất ngôn ngữ. Tất cả các tài liệu thiên văn chính thống của quốc tế đều dịch ra tiếng Anh từ Sagittarius là Archer (cung thủ), còn Centaurus là Centaur (nhân mã).

Ngoài ra, thiên văn học cổ phương Đông đã đặt ra rất nhiều các quy ước về các “chòm sao”, nổi tiếng nhất và nhiều người biết tới nhất là 28 “chòm sao” thuộc nhóm nhị thập bát tú.

Ngày nay với sự tôn trọng tối đa cho văn hóa phương Đông, cũng như để hạn chế việc thay đổi cách gọi không cần thiết, chúng ta vẫn có thể gọi các nhóm sao được thừa nhận rộng rãi ở phương Đông là “chòm sao”, tuy nhiên nên biết rằng, trong các văn bản thiên văn học chính thống chỉ có các nhóm sao.

Cập nhật: 31/12/2021 Theo GD&TĐ
  • 52
  • 687