Cách sơ cứu chấn thương vùng đầu gối

Hướng dẫn sơ cứu chấn thương vùng đầu gối
  •  
  • 132

Chấn thương nhẹ ở bên ngoài đầu gối chỉ cần rửa bằng nước sạch nhưng chấn thương phần mềm sẽ cần áp dụng phương pháp RICE.

Chấn thương là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống hằng ngày, nhất là ở vùng đầu gối. Các chấn thương nhẹ ở đầu gối có thể tự lành. Tuy nhiên, sơ cứu không đúng cách có thể làm tình trạng chấn thương tệ hơn. Dưới đây là những cách sơ cứu cơ bản cho vết thương vùng đầu gối.

Chấn thương bên ngoài

Trầy xước đầu gối là chấn thương thường gặp nhất trong sinh hoạt. Chấn thương bên ngoài này có thể xử trí ngay tại nhà. Đối với các vết trầy xước, hãy rửa bằng nước sạch và thoa thuốc sát trùng.

Với vết thương chảy máu nhiều, cần đắp thêm gạc vô trùng để giữ ẩm và tránh bị vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng. Mỗi ngày thay gạc 1-2 lần. Nếu vết thương bị dơ, viêm đỏ nên đi khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng, cho kháng sinh, kháng viêm thích hợp.

Nắm được cách sơ cứu chấn thương sẽ giúp ngăn ngừa rủi ro không đáng có.
Nắm được cách sơ cứu chấn thương sẽ giúp ngăn ngừa rủi ro không đáng có. (Ảnh: Freepik)

Chấn thương phần mềm

Chấn thương phần mềm là hoạt động quá mức xảy ra đối với cơ, gân hoặc dây chằng. Hầu hết các chấn thương mô mềm là kết quả của một chuyển động đột ngột hoặc không kiểm soát được. Trật khớp, tổn thương dây chằng và cơ bắp là những chấn thương phần mềm thường gặp.

Khi một chấn thương cấp tính xảy ra, sơ cứu bằng phương pháp RICE thường mang đến hiệu quả rất tốt. RICE là viết tắt của nghỉ ngơi (Rest), chườm đá (Ice), nén (Compression) và nâng đỡ vị trí chấn thương (Elevation). Phương pháp này nên được thực hiện ngay sau khi bị thương và cần tiếp tục trong 24-48 giờ tiếp theo.

  • Nghỉ ngơi: người bị thương nên hạn chế di chuyển trong 2 ngày đầu tiên để vết thương được phục hồi.
  • Chườm lạnh: Chườm một túi đá hoặc gel đá 15-20 phút trong 24-48 giờ đầu tiên sau khi bị thương. Nên cho đá vào khăn hoặc vải mỏng để tránh làm da bị bỏng lạnh.
  • Nén, cố định vết thương: Dùng băng thun quấn nhẹ và phủ qua vết thương. Không nên quấn quá chặt tay vì sẽ khiến máu khó lưu thông, gây phù nề.
  • Nâng đỡ vết thương: Với vết thương ở chân, người bị thương cần được kê chân lên gối cao khoảng 10-15 cm. Cách làm này giúp lưu thông máu về tim dễ dàng.

Nếu vết thương vẫn còn sưng kèm theo triệu chứng đau không thuyên giảm sau 48 giờ, người bị thương nên đến bệnh viện để được thăm khám, bởi đây có thể là chấn thương mạn tính như đứt dây chằng, viêm bao hoạt dịch khớp gối,...

Lưu ý khi sơ cứu vết thương

Việc sơ cứu rất quan trọng và giúp người bị thương hạn chế những tổn thương ở mức tối đa. Tuy nhiên, sơ cứu sai cách có thể mang đến rủi ro về sức khỏe nhiều hơn cho người bị tai nạn. Dưới đây là những sơ cứu sai cách cần tránh:

  • Chườm nóng: nhiệt nóng khi tác động vào vùng tổn thương sẽ làm tăng chảy máu và khiến các phản ứng trong cơ thể xảy ra nhanh, từ đó làm cho vết sưng đau nhiều và khó chịu.
  • Xoa rượu: đắp rượu thuốc lên vết thương cũng là cách tác động nhiệt nóng. Phương pháp này tạo cảm giác đã giảm đau nhưng thực chất là do sức nóng của cồn. Không chỉ làm vết thương thêm sưng tấy, rượu còn mang đến nguy cơ nhiễm trùng.
  • Xoa bóp: hành động xoa bóp không phải là giải pháp cho người bị chấn thương vì dễ gây tác động trực tiếp lên vết thương, khiến cảm giác đau thêm trầm trọng và sưng nhiều hơn.
  • Những kỹ năng cấp cứu cơ bản ai cũng nên biết
  • Cách sơ cứu khẩn cấp cho người bị bỏng axit
  • Sơ cứu khi bị điện giật
Cập nhật: 02/06/2022 VnExpress
  • 132