Cách xử trí tiêu chảy cấp

  •  
  • 1.536

Bệnh có thể gặp ở nhiều nơi, mọi lứa tuổi và dễ lây lan thành dịch. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp có nhiều, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tìm hiểu nguyên nhân tiêu chảy cấp do vi khuẩn và độc tố của vi khuẩn sẽ giúp mọi người biết cách xử trí, phòng ngừa.

Tiêu chảy do nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn

Vi khuẩn gây bệnh Salmonella
(Ảnh picturethis.pnl.gov  )

Nguyên nhân do ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn có khả năng đột nhập vào niêm mạc ruột và gây bệnh như Salmonella (S.typhi murium và S.enteritidis) là bệnh thường gặp nhất. Bệnh lây qua đường tiêu hóa do ăn thức ăn bị nhiễm Salmonella. Thời gian ủ bệnh trung bình 12-36 giờ sau ăn. Bệnh khởi phát đột ngột: sốt, đau bụng vùng thượng vị hoặc quanh rốn, không mót rặn tiêu chảy nhiều lần, phân thối, nhiều nước đôi khi có nhày, máu, gần giống phân trong lỵ trực khuẩn. Trường hợp nặng có rối loạn điện giải do mất nước (môi khô, mắt trũng, khát nước). Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do trụy mạch.

Ngoài ra nhiễm khuẩn nhiễm độc thức ăn còn do ăn phải thức ăn có chứa độc tố của vi khuẩn đã hình thành sẵn trong thức ăn và chính độc tố này gây bệnh (độc tố của tụ cầu vàng, Clostridium perfrigens, Clostridium botulinum, bacilluscerus và Vibrio parahaemolyticus). Biểu hiện lâm sàng là tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đau bụng, không sốt, buồn nôn và nôn. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng mất nước và tử vong.

Tiêu chảy dạng tả

Bệnh tả: Do Vibrio cholerae gây nên. Thời gian ủ bệnh trung bình 5 ngày. Triệu chứng thường gặp là đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lờ lờ như nước vo gạo, không đau bụng, không sốt, có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng. Bệnh dễ gây dịch.

E.coli sinh độc tố ruột: gây tăng tiết dịch và điện giải vào lòng ruột, không có viêm. Nguồn lây là thức ăn và nước. Thời gian ủ bệnh 24-72 giờ, có thể sốt nhẹ, phân nhiều nước. Đây là thể bệnh tiêu chảy nhẹ nhưng kéo dài có khi đến 5 tuần.

Khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả
(Ảnh pathmicro.med.sc.edu )

Khuẩn  E.coli sinh độc tố ruột
(Ảnh rowett.ac.uk)


Điều trị tiêu chảy cấp như thế nào?

Điều trị chủ yếu là bù nước và điện giải trên nguyên tắc đánh giá đúng tình trạng mất nước.

Mất nước nhẹ: Bồi phụ nước bằng đường uống khi còn uống được, thường dùng oresol pha trong 1 lít nước. Nếu không có oresol thì dùng nước cháo muối.

Mất nước nặng: Biểu hiện mắt trũng, môi khô, da nhăn nheo. Khi lượng nước mất lớn hơn 5% trọng lượng cơ thể hoặc khi uống không có kết quả thì phải bù nước bằng truyền tĩnh mạch. Dịch truyền chủ yếu là dung dịch mặn, ngọt đẳng trương. Kháng sinh được chỉ định cho những bệnh nhân có dấu hiệu tiêu chảy xâm nhiễm (có bạch cầu trong phân). Tùy theo nguyên nhân mà sử dụng kháng sinh thích hợp. Tuy nhiên cần phải phân biệt với các trường hợp tiêu chảy do Enterovirus (hay gây dịch nhỏ khu trú và chủ yếu ở trẻ em).

Khi điều trị tiêu chảy, ngoài bù nước, điện giải và thuốc men còn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng thích hợp. Người bệnh bị tiêu chảy, khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn kém do vậy thức ăn cần chế biến kỹ, nấu nhuyễn dễ tiêu hóa hợp khẩu vị, đảm bảo đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng. Không kiêng khem quá mức.

Phòng bệnh là yêu cầu quan trọng. Tiêu chảy cấp lây truyền chủ yếu do tay bẩn, do thức ăn hoặc trung gian ruồi nhặng, gián chuột... Người là nguồn lây duy nhất. Vì vậy phòng bệnh là yêu cầu cấp thiết, cụ thể cần được thực hiện nghiêm túc các vấn đề sau:

Vệ sinh trong ăn uống: ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, gỏi cá hải sản, mắm tôm...; Rửa tay xà phòng sạch sẽ trước khi ăn, khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh; Bảo vệ nguồn nước sạch, sử dụng nước sạch để nấu ăn (nếu không có nước máy phải dùng cloramin B để khử khuẩn). Không vứt rác, chuột chết xuống ao hồ, sông rạch; Khi gia đình hoặc xung quanh có người tiêu chảy cấp nguy hiểm cần báo cho cơ sở y tế nơi gần nhất để điều trị kịp thời; Mọi người phải có ý thức vệ sinh, không được phóng uế bừa bãi. Khi tiêu chảy phải đi vào nhà vệ sinh rồi rắc vôi bột hoặc xả nước cloramin B.

4 khuyến cáo cho cộng đồng phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm

Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm lây lan nhanh và dễ tử vong, nhưng có thể đề phòng được. Để ngăn ngừa bệnh và phòng dịch bệnh lây lan, mọi người thực hiện những khuyến cáo sau:

1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc cloramin B sau mỗi lần đi tiêu.
- Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, cloramin B... vào sau mỗi lần đi để sát khuẩn.
- Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ.
- Hạn chế người ra, vào vùng đang có dịch.

2. An toàn vệ sinh thực phẩm:
- Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi.
- Không ăn rau sống, không uống nước lã.
- Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.

3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch:
- Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ.
- Tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng hóa chất cloramin B.
- Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Cấm vứt súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng.

4. Khi có người bị tiêu chảy cấp:
Khi gia đình có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.

Cục Y tế dự phòng Việt Nam


Theo SK&ĐS, 24h
  • 1.536